Ớn lạnh trước những cách chữa bệnh kỳ lạ nhưng hữu hiệu trong lịch sử

Ngày nay, thành tựu của y học hiện đại đã đem đến cho con người những phương cách chống chọi với bệnh tật phát sinh ngày càng hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên trước đây khi chưa có các cách thức chống chọi với bệnh tật tiên tiến, con người đã buộc phải nghĩ ra nhiều phương pháp chữa bệnh kỳ lạ nhưng ở thời điểm đó lại hữu hiệu giúp người bệnh vượt qua được giây phút nguy hiểm do bệnh tật gây ra.

Chúng ta, những con người sống trong thế kỷ 21, đang được hưởng lợi từ nền y khoa hiện đại nhất trong lịch sử nhân loại. Không chỉ đòi hỏi sống lâu, mà mỗi cá nhân hiện nay còn mong muốn sống khỏe, sống có chất lượng nữa. Tuy vậy, các thế hệ đi trước chúng ta lại không được hưởng sự tiện nghi như vậy. Có quá nhiều thứ được coi là hiển nhiên hôm nay nhưng lại là xa xỉ, hay thậm chí là trong mơ cũng không thể tưởng tượng ra được. Dưới đây là 5 liệu pháp trị bệnh như thế. Tuy tất cả trong số này đã trở nên lỗi thời, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên dành một phút nhìn lại để nhận ra và trân trọng công sức của bao thế hệ bác sĩ - nhà khoa học dành ra để đưa ngành y không ngừng phát triển như hôm nay.

Ớn lạnh trước những cách chữa bệnh kỳ lạ nhưng hữu hiệu trong lịch sử - 1

Người bệnh nằm trong máy phổi sắt.

Bóng phổi

Bóng phổi tức những quả bóng làm bằng sáp ong hay polymer được sử dụng để giúp phục hồi những vết thương gây ra do ung thư phổi. Để làm được điều này, các bác sĩ tiếp cận lá phổi bị ung thư thông qua một vết rạch trên sườn người bệnh, rồi cho đầy vào trong lồng ngực những quả bóng phổi.

Sử dụng bóng phổi tuy có tác dụng tốt, nhưng nếu không đảm bảo đúng quy trình sản xuất và phẫu thuật thì người bệnh rất dễ gặp các vấn đề như chảy máu trong, nhiễm trùng... Sự kiện liệu pháp hóa trị ung thư được đưa vào các bệnh viện phương Tây vào thập niên 1950 đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bóng phổi.

Lưới chỉnh hình

Trước khi các liệu pháp chỉnh hình hiện đại được đưa vào việc điều trị, các bệnh nhân có rất ít sự lựa chọn trong việc hồi phục bộ khung xương bị biến dạng của mình, đặc biệt là với những người bị dị tật bẩm sinh. Một trong số những lựa chọn đó là lưới chỉnh hình. Tay chân người bệnh bị treo ngược lên, còn bản thân người bệnh sẽ phải dành một thời gian dài chỉ nằm trên một tấm võng cho đến khi sống lưng của họ tự điều chỉnh theo ý bác sĩ.

Phổi sắt

Phát minh vắc-xin phòng bại liệt của bác sĩ Jonas Salk người Mỹ năm 1952 có thể coi là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của ngành y. Trước đó, ước tính trên thế giới có đến 700.000-800.000 người chết vì bệnh bại liệt, hầu hết trong số đó là trẻ em. Gấp đôi con số đó là những người được cứu sống nhưng phải dành phần đời còn lại với cỗ máy “phổi sắt”.

Về căn bản thì loại máy này hoạt động không khác gì một người làm hô hấp nhân tạo. Hệ thống cơ, trong đó có các cơ phổi, của người từng mắc bại liệt gần như mất hoàn toàn khả năng co bóp. Để tránh cho những người này khỏi bị ngạt thở, những cỗ máy “phổi sắt” sử dụng máy bơm và áp suất không khí để nâng và ép lồng ngực người bệnh.

Ớn lạnh trước những cách chữa bệnh kỳ lạ nhưng hữu hiệu trong lịch sử - 2

Dịch phổi đang trào ra từ vết mổ người bệnh.

Đèn halogen

Từng có một thời điểm đèn halogen là một công cụ quan trọng cho việc chữa trị các bệnh về xương và lao phổi. Sở dĩ có điều này là vì chế độ ăn của người xưa nhiều khi rất thiếu vitamin D; trong khi đó, kiến thức về việc tắm nắng lại không được nhiều người biết đến.

Vì thế mà các bác sĩ mới phát minh ra liệu pháp “tắm đèn halogen”, tức cho các bệnh nhân cởi trần, bịt mắt, rồi đi vào một căn phòng không có nguồn sáng nào ngoại trừ một chiếc đèn halogen thật sáng. Cơ thể bệnh nhân đứng trước đèn cũng giống như đứng dưới trời nắng, có thể tự tổng hợp được vitamin D cho cơ thể.

Liệu pháp này hiệu quả đến mức Chính phủ Pháp từng có chương trình “tắm đèn halogen” miễn phí cho trẻ em toàn quốc. Ngày nay vẫn có những bệnh nhân gặp vấn đề về xương và trầm cảm ở một số nước cực Bắc bán cầu, nơi có rất ít ngày nắng, được điều trị bằng liệu pháp này.

Gỡ bỏ xương sườn

Hình ảnh ghê rợn như trên không phải là hiếm hồi đầu thế kỷ XX. Người bệnh trong ảnh sau khi bị chẩn đoán tràn dịch phổi do nhiễm vi khuẩn đã được phẫu thuật gỡ bỏ xương sườn để bác sĩ có thể dễ dàng tiếp cận và làm thoát dịch phổi. Tỷ lệ người bệnh sống sót qua cuộc phẫu thuật này là rất ít, nhưng rất nhiều người vẫn phải liều mình nếu không muốn bị chết ngạt vì dịch phổi. Thật may mắn là nhờ có các phát kiến mới, đặc biệt là phương pháp mổ nội soi, mà người bệnh không còn phải đánh cược với thần chết nữa.

Ngỡ ngàng với ca sinh nở kỳ lạ nhất lịch sử của sản phụ 5 tuổi

Năm 1939, một sản phụ tại Peru đã hạ sinh một bé trai khỏe mạnh khiến cả thế giới chấn động bởi đó là cô bé chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Công Vũ ([Tên nguồn])
Những căn bệnh bí ẩn trong lịch sử y học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN