Ôm con đi cấp cứu, bố mẹ bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ khi biết nguyên nhân

Sự kiện: Bệnh đại tràng
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhập viện sau 2 ngày liên tục đại tiện ra máu tươi lẫn máu cục, bé gái 5 tuổi ở Phú Thọ được các bác sĩ thực hiện thắt và cắt 02 polyp, đồng thời cầm máu cho bệnh nhi thành công.

Theo gia đình bệnh nhi, bé bị đi ngoài ra máu tươi lẫn máu cục 5 lần trong 2 ngày nay. Bé được dùng thuốc ở nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm mà có biểu hiện mệt mỏi, da nhợt nhạt nên được gia đình đưa đến một phòng khám cấp cứu. Các bác sĩ đã thăm khám, tiêm cầm máu, truyền đường và chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Bệnh nhi sau khi được can thiệp nội soi cắt 2 polyp. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi sau khi được can thiệp nội soi cắt 2 polyp. Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bé được thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Ngay khi có kết quả xét nghiệm máu, bé bị thiếu máu nghiêm trọng, bác sĩ đã chỉ định truyền khối hồng cầu cho bệnh nhi. Sau khi hội chẩn các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày, đại tràng cho bé để chẩn đoán chính xác.

Bệnh nhi sau đó được chuyển đến Trung tâm Tiêu hóa hô hấp thực hiện nội soi. Ngay khi thiết bị nội soi đến khu vực đại tràng đã phát hiện 01 polyp kích thước 3cm có cuống, bề mặt xung huyết; trực tràng có 01 polyp kích thức 0.8cm. 

Với kinh nghiệm thực hiện nội soi nhiều năm, đặc biệt nội soi đại tràng cho trẻ em phải rất khéo léo và cẩn trọng, các bác sĩ nội soi và gây mê đã thực hiện thắt và cắt 02 polyp, đồng thời cầm máu cho bệnh nhi thành công. Bệnh nhi sau đó được chuyển về khoa Nhi tiếp tục theo dõi và điều trị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị polyp trực tràng ở trẻ

Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên lớp niêm mạc đại tràng (ruột già). Polyp đại tràng chủ yếu là lành tính nhưng polyp tuyến ống và nhung mao có thể tiến triển thành ung thư. Polyp có thể xuất hiện đơn độc hoặc mọc nhiều polyp dọc theo đại tràng. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng, thường chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang đại tràng, nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm máu ẩn trong phân.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị polyp trực tràng như chế độ ăn, viêm nhiễm, yếu tố cơ địa và di truyền,... Ở trẻ em, độ tuổi trung bình mắc polyp đại tràng là 4 – 7 tuổi. Trẻ nhỏ 1 – 2 tuổi cũng có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp. Bệnh cũng phổ biến ở trẻ trai hơn trẻ gái.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Polyp trực tràng trẻ em có nguy hiểm không?

Phần lớn các polyp đại tràng ở trẻ em ở dạng lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp thường sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến trẻ ngày càng sụt cân, còi cọc, không bắt kịp đà tăng trưởng.

Hơn nữa, nếu để lâu, polyp đại trực tràng có thể dẫn tới những nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa hay thậm chí là ung thư hóa. 

Theo nghiên cứu, trẻ càng lớn tiềm năng ung thư hóa polyp đại tràng càng cao. Nguy cơ ung thư hóa thường sau 10 năm, phụ thuộc vào loại polyp và kích thước polyp. Thông thường, polyp tuyến ống, nhung mao, kích thước 1 – 1,5 cm dễ hóa ung thư.

Dấu hiệu cảnh báo polyp đại tràng ở trẻ em

- Đi ngoài ra máu tươi hoặc có máu lẫn trong phân dù bé không bị táo bón.

- Polyp đại tràng lớn có thể gây đau quặn bụng hoặc gây tắc ruột.

- Polyp đại tràng lớn nếu có những chồi nhỏ dạng nhung mao có thể tiết muối và nước, gây tiêu chảy, phân nước ồ ạt, dẫn tới hạ kali máu.

- Trẻ có biểu hiện thiếu máu do mất máu nhiều: Da xanh tái, lòng bàn tay nhợt nhạt, niêm mạc nhợt nhạt,...

- Polyp trực tràng dài có thể sa xuống, thòng qua lỗ hậu môn.

Chú ý kỹ đến chế độ ăn uống và thực phẩm ăn hằng ngày rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh đại tràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.H (th) ([Tên nguồn])
Bệnh đại tràng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN