Ở nơi bác sĩ vừa điều trị bệnh nhân, vừa làm "bảo mẫu", kiêm luôn "cửu vạn"
Có người nói vui, ở trong khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là phụ nữ mang thai và trẻ em thì bác sĩ giống như "siêu nhân" vì vừa là người điều trị vừa là nguời nhà vừa là "cửu vạn" khuân vác đồ, đồng thời cũng là bảo mẫu cho các bé.
Cả hai vợ chồng cùng tham gia chống dịch, BSCKII Phạm Thị Thanh Hương - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh) đã gần 20 ngày nay không được gặp chồng dù anh chị chỉ cách nhau một con đường.
"Thi thoảng có thời gian rảnh, hai vợ chồng gọi điện thoại cho nhau, mà lúc thì anh bận, lúc thì em bận, rồi sau thì mệt, quên, đâm ra có khi mấy ngày mới nói chuyện với nhau một lần", BS Hương nói.
Các bệnh nhi nhiễm, nghi nghiễm COVID-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh
Nơi BS Hương làm việc là Khoa tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhưng đó là những bệnh nhân vô cùng đặc biệt - họ là những sản phụ và trẻ em. Ở những đợt dịch trước, các y, bác sĩ trong khoa luôn sẵn sàng tinh thần cho mọi tình huống. Nhưng, khi đó, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh không phải điều trị bệnh nhân F0 mà chỉ có một số trường hợp nghi nhiễm.
Đợt dịch này phức tạp hơn, nơi đây tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm. Vì thế, Khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi thường xuyên biến động bệnh nhân, luôn có khoảng 50 bệnh nhân và trường hợp nghi nhiễm thuộc cả 2 đối tượng sản và nhi được theo dõi, điều trị.
Cũng theo BS Hương, các bệnh nhi đông hơn, chiếm phần lớn số ca mắc, trong đó có bệnh nhi nhỏ nhất chỉ 2 tháng tuổi và mẹ cũng là bệnh nhân. Hầu hết các ca mắc đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi từ điểm nóng xã Mão Điền, Thuận Thành và trong số đó rất nhiều là chùm ca bệnh trong một gia đình.
Các bác sĩ vừa làm công tác điều trị vừa làm "bảo mẫu" cho các bệnh nhi
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nói chung cũng áp lực, nhưng với bệnh nhân là trẻ em thì cũng khó khăn hơn. "Độ tuổi phổ biến của bệnh nhi điều trị tại bệnh viện là trên 2 tuổi, vì thế khó khăn nhất là việc thực hiện quy định đeo khẩu trang của các cháu, nhiều cháu phải đeo khẩu trang khó chịu quá lại giật ra", BS Hương cho biết.
BS Hương thông tin thêm, ở bệnh nhi mắc COVID -19 các biểu hiện bệnh không nặng nề như người lớn, có khoảng hơn một nửa các cháu điều trị tại đây không có triệu chứng gì, số còn lại ho, sốt, viêm đường hô hấp trên, nhưng vì là trẻ con, vẫn cần phải có sự chăm sóc của người nhà. Một số trường hợp cả mẹ và con đều mắc bệnh. Nhiều mẹ cũng sốt mà vẫn phải gắng gượng trông con, nhìn rất thương.
Mặc dù vậy, cũng có những trường hợp cả gia đình cùng là bệnh nhân lại mắc vào thời gian khác nhau, mức độ diễn tiến bệnh khác nhau nên mỗi người lại phải điều trị ở một bệnh viện. Do đó, các cháu nhỏ không có người thân ở đây. Lúc đầu nhìn bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ thì sợ, sau dần quen nên các con ngoan ngoãn nghe theo.
Kiêm luôn "cửu vạn" khuân vác đồ
Không chỉ trẻ nhỏ, tại bệnh viện, các bác sĩ đang điều trị cho 4 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 đang mang thai. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng tất cả đều rất đáng thương. "Có ca chửa ngoài tử cung phải mổ cấp cứu, có ca mắc bệnh lúc nhập viện đã ra huyết đen, bác sĩ cố gắng giữ nhưng thai vẫn hỏng", BS Hương buồn rầu nói.
Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, các nhân viên y tế mặc dù cũng bận rộng với hàng trăm công việc nhưng các anh chị vẫn luôn nhắc nhở nhau, lưu tâm hơn đến những trường hợp đặc biệt đó. Cùng động viên, chia sẻ để họ vượt lên khó khăn mà chiến đấu, chiến thắng bệnh tật.
Để động viên bệnh nhân, các bác sĩ có nhiều "kênh" để trò chuyện chia sẻ với bệnh nhân đảm bảo an toàn, ngoài hệ thống camera và bộ đàm để theo dõi, điều hành công việc ở 3 tầng khu nhà truyền nhiễm. Hàng ngày, nhân viên y tế vào thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân đều đặn. Đối với bệnh nhi thì tần suất khám nhiều hơn, ngày nào cũng ít nhất từ 2-3 lần vào, đo nhiệt độ, hỏi han các con.
Tranh thủ chợp mắt để lấy sức tiếp tục "chiến đấu"
"Đây là lần đầu tiên các bác sĩ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nên chúng tôi có nhiều áp lực và lo lắng. Chúng tôi thường xuyên tham vấn các bệnh viện tuyến cuối. Rồi anh chị em trong khoa bảo nhau "vừa làm vừa dò", khám kỹ để nhận biết sớm những dấu hiệu chuyển nặng. Có người nói vui, ở trong khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là phụ nữ mang thai và trẻ em thì bác sĩ giống như "siêu nhân" vì vừa là người điều trị, vừa là nguời nhà, vừa là "cửu vạn" khuân vác đồ đạc, vừa là bảo mẫu chăm sóc nói chuyện và động viên các cháu...", BS Hương chia sẻ.
Khi được hỏi cảm nhận về những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các y bác sĩ tham gia chống dịch, nữ bác sĩ tâm sự: "Chúng tôi quyết tâm đã "ra trận" thì không rời bỏ vị trí. Dù mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng đã xác định theo đuổi ngành Y thì cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận hy sinh để cống hiến. Ngay đầu mùa dịch, anh chị em cán bộ y tế cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần, lúc nào cũng mang sẵn đồ đạc ở viện, chủ động thu xếp việc nhà để sẵn sàng trực chiến...".
Nguồn: [Link nguồn]
Tính đến 12 giờ ngày 27/5, 34 cơ sở đào tạo đã thông báo với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế số cán bộ,...