Nước mắt người phụ nữ bị ung thư lại tưởng sỏi thận
Bị ung thư nhưng không hề biết, chỉ đến khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ở họ đều có sự tiếc nuối về gia đình, về con cái, về những việc còn dang dở...
Không có triệu chứng đặc biệt
Tỷ lệ sống trên 5 năm của ung thư cổ tử cung là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80% đến 90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50% đến 65% cho giai đoạn 2. Chỉ có 25% đến 35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm. Đáng tiếc là ở Việt Nam phụ nữ phát hiện ra bệnh này thường ở giai đoạn muộn.
Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội cơ sở 2.
Chị Lê Thị H. 51 tuổi trú tại Thanh Hà, Hải Dương như muốn bật khóc khi nói về căn bệnh quái ác đang hành hạ chị suốt thời gian qua. Chị H bị ung thư tử cung. Chị H kể, trước khi phát hiện ra bệnh, chị không có biểu hiện gì bất thường. Chị đã mãn kinh 4 năm nay, cuối tháng 9 chị thấy tự nhiên có kinh trở lại trong 3 ngày liền và kinh nguyệt rất nhiều, có khi ra cả huyết cục.
Chị chẳng dám nói với ai, chỉ nghĩ tại sao đã mãn kinh mấy năm giờ lại có kinh trở lại được. Chị chờ đợi thêm và đến ngày thứ 4 kinh nguyệt vẫn ra rất nhiều. Lúc này chị mới nói chuyện với chồng và con. Cả nhà đưa chị đến bệnh viện tỉnh khám. Tại đây, sau khi siêu âm và làm các xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ chị bị K tử cung. Chị H không tin nên đi kiểm tra chỗ khác.
Tại Bệnh viện K Hà Nội, sau khi siêu âm kiểm tra bác sĩ vẫn chẩn đoán chị bị ung thư tử cung và đã có di căn lên hạch cổ. Sờ tay lên cổ, chị H chợt nhớ, hai tháng nay chị có thấy cổ hơi đau nhưng nghĩ hạch cổ nên uống kháng sinh. Chị không ngờ đó là di căn từ khối u ung thư buồng tử cung chạy lên.
Quá đau đớn, chị chỉ còn biết ôm đầu, những lúc đau chị lại gục xuống giường. Cả gia đình chị đều không tin vào kết quả này và họ chỉ còn biết chờ phép màu. Bác sĩ chỉ định làm xạ trị. Mấy tuần nay, chị H được xạ trị ở hạch cổ nên cũng đỡ hơn nhưng nhìn về tương lai mịt mù phía trước, chị chỉ thở dài. Những người đã vào đến khoa chống đau của Bệnh viện K, nơi cuối cùng phải sử dụng giảm đau để chống lại cơn đau, đều xem như là vào cõi chết.
Kể về gia đình, chị khóc nấc: "Tôi lấy chồng muộn, hai con còn nhỏ lắm. Từ khi biết mình bị bệnh ung thư, chúng cũng học hành đi xuống vì chỉ lo mẹ chết. Ở giai đoạn muộn mới phát hiện ra bệnh, dù có nỗ lực, có phi thường đến mấy thì cũng không thể kéo dài được bao lâu. Giá như, giá như tôi đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn biết đâu phát hiện ra bệnh ung thư sớm hơn, ở giai đoạn 1 còn có thể chữa được. Giờ không phẫu thuật được mà chỉ xạ trị để giảm đau, tôi buồn lắm. Từ khi biết mình mang bệnh người gầy rộc đi, chẳng ăn uống gì thấy ngon nữa”.
Bị ung thư lại tưởng sỏi thận
Trường hợp của bệnh nhân Phan Thị Thủy trú tại Thái Bình thì khác. Bà Thủy 50 tuổi. Bà cho biết mấy tháng gần đây thấy tháng có 2 lần kinh nguyệt. Bà nghĩ sắp mãn kinh nên nó thế. Ngoài ra, cũng có thêm triệu chứng đi tiểu nhiều, tiểu buốt và đau lưng. Mỗi lần đi tiểu bà thấy buốt ở bàng quang. Bà Thủy đi khám bác sĩ cho rằng bị bị sỏi thận và cho uống thuốc sỏi thận.
Cả năm nay, các triệu chứng cứ đến âm thầm và bà Thủy ra sức uống thuốc sỏi thận. Uống thuốc Tây không đỡ bà chuyển sang thuốc nam uống. Đến khi người mệt, đau lưng nhiều quá bà mới đi kiểm tra thì bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ K buồng trứng. Nhưng khi gia đình đưa lên bệnh viện K, sau khi chiếu chụp và làm các xét nghiệm, bà Thủy được kết luận ung thư tử cung.
Dù đã làm phẫu thuật nhưng khối u đã di căn nên phẫu thuật không có hiệu quả. Bà chuyển sang xạ trị để giảm đau. Bà khóc suốt vì gia đình neo mà bà lại mang trọng bệnh. Dấu hiệu rất dễ nhận biết nhưng vì không có kiến thức về phòng ngừa ung thư nên bà không đi kiểm tra. Cố gắng giấu cơn đau, bà Thủy chỉ hi vọng khi chết không còn đau đớn.
Theo thông tin của mạng lưới phòng chống ung thư Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 4, nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho phụ nữ. Trên toàn cầu ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, khi triệu chứng xuất hiện, thông thường là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị. Giai đoạn trễ, người bệnh có thể chảy máu sau giao hợp hay chảy máu tự nhiên, tiết dịch hôi, đau vùng chậu.
Hiện nay, virus HPV là nguyên nhân gây hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung. Virus HPV rất dễ lây và chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục. Chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục đã có thể lây. Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm cao gây ung thư. Nguy cơ này bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt cuộc đời.