Nửa số trẻ béo phì toàn cầu là ở châu Á

Béo phì xảy ra nhiều ở các nước có thu nhập thấp. Lý do vì người dân dễ dàng tiếp cận với nước giải khát và thực phẩm nhiều chất béo, đường được bán với giá rẻ.

Theo báo cáo của Ủy ban Chấm dứt béo phì ở trẻ em (CECO) thuộc LHQ công bố ngày 25-1, toàn cầu hiện đang có 41 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân và béo phì. Con số này dự báo sẽ tăng lên hơn 70 triệu trong 10 năm tới nếu thế giới không quyết tâm ngăn chặn.

Trong thời gian 1990-2014, tỉ lệ trẻ thừa cân và béo phì trung bình trên toàn cầu tăng từ 4,8% lên 6,1%. Đáng nói tại các nước thu nhập thấp, trong 10 năm đó số trẻ dưới năm tuổi bị thừa cân và béo phì tăng lên gấp đôi, từ 7,5 triệu lên 15,5 triệu trẻ. Gần một nửa số trẻ này ở châu Á (48%), 25% ở châu Phi.

Nửa số trẻ béo phì toàn cầu là ở châu Á - 1

Béo phì gây nhiều hệ lụy về sức khỏe cho trẻ. Ảnh: IBTIMES 

CECO kêu gọi các nước cung cấp kiến thức về ăn uống và sức khỏe cho người dân, chú trọng cải thiện bữa ăn lành mạnh hơn cho trẻ. Bên cạnh đó cũng tăng cường tỷ lệ cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.

Các nước cần thiết phải có biện pháp hạn chế trẻ ăn thực phẩm không lành mạnh và uống nước giải khát có đường, có thể bằng cách tăng đánh thuế lên các mặt hàng này. Vì theo báo cáo, thực phẩm không lành mạnh và nước giải khát có đường rõ ràng làm tăng nguy cơ béo phì. Các gia đình thu nhập thấp là đối tượng chịu nguy cơ béo phì cao nhất, vì vậy làm cho các mặt hàng này có giá bán cao sẽ giúp hạn chế vấn nạn béo phì.

Nửa số trẻ béo phì toàn cầu là ở châu Á - 2

Ăn uống lành mạnh giúp hạn chế nguy cơ béo phì ở trẻ. Ảnh: ASIAN SCIENTIST 

Bên cạnh đó, các nước cũng phải có biện pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng việc tiếp cận thực phẩm và nước giải khát lành mạnh.

Báo cáo cảnh báo tình trạng lười hoạt động thể chất đang trở thành một quy chuẩn xã hội ở nhiều nước. Hiện 84% bé gái và 78% bé trai tuổi từ 11-17 trên toàn cầu không có đủ 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày.

Nửa số trẻ béo phì toàn cầu là ở châu Á - 3

Tăng hoạt động thể chất là cách giúp trẻ không bị thừa cân, béo phì. Ảnh: ASIAN SCIENTIST 

CECO kêu gọi các nước đảm bảo thời gian và không gian để trẻ hoạt động nhiều hơn trong trường học cũng như các nơi công cộng, đồng thời hạn chế trẻ xem tivi, sa đà vào công nghệ. Cần thiết phải hạn chế tối đa hoạt động tiếp thị thực phẩm không lành mạnh và nước uống có đường trong trường học.

Doanh số bán nước giải khát có đường trên thế giới đang trên đà tăng rất nhanh. Tại các nước Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, doanh số tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua. Doanh số bán nước giải khát có đường của thế giới năm 2012 là 532 tỉ USD, 40% số đó thuộc về hai đại gia Mỹ Coca-Cola và PepsiCo.

Doanh số bán thực phẩm đóng gói và thực phẩm chế biến cũng tăng rất nhanh ở các nước thu nhập thấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Ân (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN