Nữ sinh 16 tuổi xuất huyết dạ dày thừa nhận thường xuyên làm việc này sau bữa ăn
“Con có thói quen vừa ăn xong đã ngồi ngay vào bàn học hoặc hoạt động thể lực ngay lập tức. Thêm nữa, con thường xuyên ăn khuya, tự ý đặt những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn”, mẹ bé cho biết.
Nữ sinh B.N.T. (16 tuổi, Hà Nội) đến thăm khám với triệu chứng đau bụng thượng vị. Theo người nhà, 4 ngày trước đi khám, T đau thành từng cơn, đau nhiều về đêm, kèm ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và đi ngoài phân đen.
Nhận thấy tình trạng bất thường, gia đình đưa cháu T. đi thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Medlatec. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm và thăm dò chức năng cần thiết phục vụ chẩn đoán.
Đáng chú ý, kết quả nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng cho thấy tổn thương viêm lỗ chỗ, có ổ loét sâu, kích thước 3-4 cm, có vết bầm đen. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng nên được nhập viện điều trị nội trú.
Hình ảnh nội soi phát hiện ổ loét sâu kích thước 3-4 cm. Ảnh: BVCC
Theo chia sẻ của chị N.M.H. (mẹ T.), do bố mẹ đi làm xa nên chưa thực sự kiểm soát được hết thói quen sinh hoạt của con:“Con có thói quen vừa ăn xong đã ngồi ngay vào bàn học hoặc hoạt động thể lực ngay lập tức. Thêm nữa, con thường xuyên ăn khuya, tự ý đặt những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn”, chị H cho hay.
ThS.BSNT Phạm Thị Quế - Chuyên khoa Tiêu hóa - người trực tiếp điều trị trường hợp này, cho biết: “Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nguy hiểm, đáng lo ngại hơn khi xảy ra ở đối tượng trẻ em. Nếu không được can thiệp kịp thời, xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt, thiếu máu, sốc và tử vong”.
Dấu hiệu cảnh báo xuất huyết dạ dày
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ chỉ từ 10 - 16 tuổi đã nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Trong khi đây là loại bệnh lý mà trước đây chủ yếu gặp ở người trưởng thành.
Theo ThS.BSNT Phạm Thị Quế, tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân như: Thiếu chất dinh dưỡng - thiếu vitamin K; trẻ sinh non, nhẹ cân, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…
BS Quế cho biết thêm, một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ cha mẹ không nên bỏ qua, đơn cử như: Khi trẻ đi ngoài ra máu, máu có thể ở dạng màu đỏ tươi hoặc phân đen; Trẻ có thể bị buồn nôn và nôn do viêm niêm mạc dạ dày, hoặc tá tràng gây ra bởi xuất huyết; Một trong những biểu hiện nguy hiểm của bệnh xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là triệu chứng nôn ra máu;
Ngoài ra, trẻ có thể cảm thấy đau bụng, hoặc có cảm giác khó chịu vùng thượng vị như buồn nôn, ợ hơi, đầy hơi chướng bụng; Xuất huyết tiêu hóa có thể làm cho trẻ mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, tiêu chảy, ốm yếu và có triệu chứng thiếu máu như da nhợt nhạt và thở nhanh.
"Với những dấu hiệu kể trên, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", BS Quế khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo chia sẻ của gia đình, bé trai rất thích ăn cay, đặc biệt là tương ớt, ăn món gì cháu cũng chấm nhiều tương ớt, ngoài ra cháu còn thích uống nước...