Nụ hôn có thể gây bệnh

Nụ hôn có thể làm lây một loại bệnh gọi là mononukleoza giống như cảm lạnh - đây được coi là phát hiện y học mới.

Bệnh do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra với tỷ lệ nhiễm rất cao, tới mức hầu hết nhóm tuổi 40 từng bị lây nhiễm, trong đó bị nhiễm nhiều nhất là trẻ vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi. Ngoài ra, nụ hôn còn làm lây nhiễm một số bệnh khác. Bạn không thể từ bỏ nụ hôn, vì đó là biểu hiện của tình yêu nồng cháy. Nhưng sự hiểu biết có thể giúp bạn loại bỏ hậu quả của các bệnh lây từ nụ hôn.

Một bệnh giống cảm lạnh

Sau nụ hôn, nếu bị nhiễm bệnh, virus EBV tấn công niêm mạc họng, niêm mạc mũi, tai (kể cả lymphocyte B), gây ra triệu chứng giống như cảm lạnh. Với thể nhẹ, bệnh giới hạn ở cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau họng, sổ mũi, chán ăn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cũng xuất hiện sốt cao 38-39oC, nổi hạch ở cổ và nách, phù nề amidan, phình to gan và lách. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện không có những triệu chứng nói trên mà chỉ ở dạng nhẹ hơn nhiều nếu hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt.

Nụ hôn có thể gây bệnh - 1

Virus Epstein-Barr gây bệnh mononukleoza.

Bệnh mononukleoza rất dễ chẩn đoán nhầm bởi triệu chứng rất giống cảm lạnh, cúm hoặc viêm họng. Mặc dù vậy vẫn có thể chẩn đoán chính xác nhờ các xét nghiệm máu với chất hiển thị. Người ta sẽ tiến hành xét nghiệm này đối với các bệnh nhân mà tình trạng sốt kéo dài hơn một tuần kết hợp với dấu hiệu các tuyến hạch, gan và lách phình to.

Làm gì để phòng tránh?

Cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa có thuốc đặc trị với virus EBV. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng mononukleoza như: hạ sốt và giảm đau đầu bằng các loại thuốc hạ nhiệt giảm đau chống viêm không stenoid như paracetamol, ibuprofen… hoặc giảm đau họng bằng viên ngậm chống viêm và giảm đau Đông y.

Nụ hôn có thể gây bệnh - 2

Lở môi mép do virus Herpes simplex.

Nếu không may bị bệnh, bạn cần thực hiện các biện pháp tự chăm sóc như sau: nên nghỉ ngơi tại giường cho đến khi hết sốt và những triệu chứng nói trên. Nên áp dụng thực đơn gồm các món ăn nhẹ, dễ tiêu mà tốt nhất là ăn cháo. Kiêng hoặc hạn chế ăn các món thịt rán và những món ăn xào, rán với dầu mỡ để tránh gánh nặng cho gan trong khi cơ quan này đang phải chống đỡ với sự tấn công của virus EBV.

Bạn nên uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch oresol để tránh cơ thể mất nước do sốt cao kéo dài. Bạn cũng cần có một chế độ sinh hoạt, làm việc điều độ sau khi lành bệnh; Cần bảo đảm giấc ngủ đủ giờ là từ 7-8 tiếng mỗi ngày để thần kinh của bạn có cơ hội hồi phục sau thời gian căng thẳng vì mắc bệnh. Để hồi phục thể lực, bạn không nên làm việc quá 8 tiếng/ngày, tránh công việc nặng nhọc, quá sức. Sau một lần mắc bệnh mononukleoza, bạn đã có khả năng miễn dịch suốt đời với bệnh, như vậy, bạn sẽ không mắc bệnh lần sau nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn mang virut trong người suốt đời và có thể lây nhiễm cho đối tượng mới lần đầu trao đổi nụ hôn với bạn mà trước đó họ chưa bị bệnh.

Các bệnh khác lây từ nụ hôn

Ngoài bệnh mononukleoza nói trên, sau nụ hôn bạn còn có thể bị lây nhiễm 3 loại bệnh dễ gặp sau đây:

Lở môi mép do thủ phạm là virus Herpes simplex (HSV-1) gây ra. Triệu chứng chính là: tình trạng ngứa, bỏng rát và mụn nhọt tại khu vực quanh miệng xuất hiện vài ba ngày sau nụ hôn. Bệnh này cũng chưa có vaccin phòng chống.

Lây nhiễm menigokoke là một loại vi khuẩn thường gây ra những chứng bệnh nguy hiểm, chẳng hạn viêm màng não. Biểu hiện của bệnh này ban đầu giống bệnh cúm, nhưng may mắn là đã có vaccin để phòng ngừa.

Bệnh cảm lạnh do virus rhino gây ra, bệnh không chỉ lây truyền qua đường hô hấp như ho, hắt hơi mà còn lây nhiễm qua nước bọt khi người ta hôn nhau. Khi bị cảm lạnh, dấu hiệu ban đầu hay gặp là: chảy nước mũi, viêm họng, ho, người mệt mỏi và có thể bị sốt nhẹ. Trong mùa lạnh, đặc biệt là khi có rét đậm, rét hại, bạn nên giữ ấm cơ thể, nhất là khi phải ra ngoài trời. Cần phải  ăn uống đủ chất để tăng cường khả năng miễn dịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Nguyễn Thu Hà (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN