Nồm ẩm trước Tết, nguy cơ ngộ độc cao
Ngay cả khi đảm bảo vệ sinh, những ngày nồm ẩm đột ngột như hiện nay, nguy cơ ngộ độc các chất gây ung thư sẽ rất cao, chuyên gia ở Viện Dinh dưỡng cảnh báo.
Mưa rào sớm bất thường, nồm ẩm kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), thời tiết mấy ngày qua khá bất thường. Một số nơi ở miền Bắc xuất hiện mưa rào sớm so với mọi năm và một đợt ấm nóng có thể kéo dài đến một tuần.
TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV, cho hay không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc tiếp tục suy yếu và rút ra phía đông, đẩy nhiệt độ miền Bắc tăng nhanh, trưa chiều có ngày nóng ấm như đầu hạ.
Nồm ẩm dễ khiến các thực phẩm hạt nhiễm nấm mốc và sinh độc tố Alfatoxin gây ung thư. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Trong khi đêm và sáng sớm nhiều nơi có sương mù, rét và rét nhẹ; vào ban ngày, nhiều nơi giảm mây, nắng ấm ngập tràn, nhiệt độ tăng nhanh. Phía Đông Bắc Bộ, vùng núi nhiệt độ cao nhất có thể 22-25 độ C.
Hà Nội có thể còn cao hơn, nhiệt độ ban ngày có hôm sẽ đạt 26-28 độ C. Tây Bắc Bộ, ban ngày gần như mùa hè, phổ biến 27-29 độ C, có nơi lên tới 30-32 độ C.
Không chỉ nóng ấm kéo dài mà còn có hiện tượng mưa bất thường. Đêm về sáng 30-1, chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu, miền Bắc có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù rải rác.
Vùng Tây Bắc Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp với hội tụ gió ở độ cao 5.000 m nên có mưa, mưa rào nhẹ đều khắp và có nơi có giông. Vẫn theo ông Hải, nhiều nơi đã đón một đợt mưa rào và giông đầu tiên trong năm 2013, được xem là khá sớm so với nhiều năm trước.
Nguy cơ nhiễm độc ung thư
Cho đến 8-2, tức 28 Tết, nguy cơ thực phẩm sản sinh các độc tố chết người sẽ rất cao. Đây lại là dịp các cơ sở kinh doanh tích trữ một lượng thực phẩm khổng lồ để bán và hàng triệu gia đình cũng đang mua sắm tích trữ cho đợt nghỉ Tết kéo dài chín ngày.
Trước tiên là dưa, cà muối. Nồm ẩm sẽ khiến các món này dễ khú. Theo TS. Nguyễn Văn Hiếu – Bộ môn Ung thư Trường ĐH Y Hà Nội, dưa cà khú hỏng thường sinh ra các chất thuộc nhóm chất nitrite và nitrate.
Chính chúng- Nitrosamine và các hợp chất N-nitroso khác, là các yếu tố gây ung thư thực nghiệm trên động vật.
Không may là sát thủ thầm lặng ấy cũng tìm thấy trong thịt cá được chế biến bằng chất bảo quản để chống ôi thiu trong những này nôm ẩm, tìm thấy trong các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối. Nhóm thực phẩm này bị quy liên quan đến sinh bệnh ung thư vòm mũi - họng.
Nhóm nguy cơ thứ hai là hạt ngũ cốc trong đó có gạo và hạt họ đậu mà điển hình là lạc. Một lượng lớn lạc rang được tiêu thụ hằng ngày ở các quán nhậu đồng thời được các gia đình mua tích trữ Tết. Những ngày nồm ẩm hiện nay, các hạt, đặc biệt là lạc, rất dễ bị nấm mốc. Phổ biến là nấm mốc Aspergillus flavus.
“Chủng này đặc biệt ưa thích lạc”, BS Phùng Chúc Phong cho hay. Chính nó tiết ra Aflatoxin, độc tố không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy trong cơ thể gây ung thư gan, bệnh ngày càng phổ biến ở VN. Chỉ cần hấp thụ tổng lượng 2,5mg Alfatoxin trong ba tháng là gan có thể bị ung thư.
Nguy hiểm ở chỗ lạc một khi mốc dù được rang hay luộc kỹ thì độc vẫn hoàn độc. Khi rang lạc mốc, các bào tử mốc đều bị diệt. Riêng Alfatoxin vẫn không bị phá huỷ hoàn toàn.
Ở 150 độ C, tức cao hơn 50 độ C so với nước sôi trong điều kiện bình thường, nó chỉ giảm 60-80% sau trong 30 phút. Như vậy, lạc mốc dù rang hay luộc kỹ vẫn là sát thủ thầm lặng.
Thông tư 30 của Bộ Y tế về kiểm soát thức ăn đường phố có hiệu lực từ 20-1. Nhưng khảo sát cho thấy quán ăn đường phố thường không có các hệ thông chống mốc cho các sản phẩm hạt.
Lựa chọn củ, hạt mốc hoàn toàn tùy thuộc sự khéo léo và lương tâm của người chế biến. Với lạc rang đóng gói thì hầu như không ai kiểm soát đầu vào. Các đồ thịt cá, muối, dưa hành muối bày nhan nhản và tiêu thụ mạnh ở hầu khắp các chợ, nhà hàng.
Giai đoạn nồm ẩm kéo dài này trùng với thời kỳ các hồ thủy điện xả nước để phục vụ đồ ải vụ Đông Xuân đợt 2 năm 2013. Trung tâm DBKTTV, từ 1-2 đến 9-1, các hồ thủy điện lớn và vừa ở miền Bắc tiếp tục xả nước lần hai, khiến mực nước sông Hồng dâng lên. Điều này càng dễ làm phát tán các nấm mốc độc nói trên đi xa hơn nếu các sản phẩm hoặc chất thải nhiễm các độc tố trên được thải ra sông.