Nỗi lòng người làm nghề đối thoại với người điên
Có lẽ các chuyên ngành y khoa ngành tâm thần và pháp y luôn “hẻo” bác sĩ nhất bởi không phải ai cũng đủ can đảm và kiên trì để theo ngành này.
Nghề đối thoại với người điên
TS Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tâm sự, nghề bác sĩ, nhất là chuyên ngành tâm thần, có nhiều điều thiệt thòi nhưng cũng có nhiều cái thực sự để đời khi hàng ngày đối thoại với người điên.
TS Phương nhớ lại, có người trên mặc áo, dưới không mặc quần bị công an đưa đến bệnh viện vì lý do gây lộn. Đến bệnh viện bệnh nhân vẫn bị công an còng tay và giữ chặt vì sợ bỏ chạy, đánh lại công an. Lúc ấy, TS Phương ra hỏi đầu đuôi câu chuyện. Ông phải lấy hết kỹ năng của một chuyên gia tâm thần để tìm hiểu lý do vì sao bệnh nhân lại bị giải đến bệnh viện trong tình trạng như thế.
Hỏi ra, bệnh nhân đành khai thật anh ta khỏe mạnh, chẳng làm sao nhưng uống hớp rượu rồi đánh nhau với cả chủ quán. Khi hỏi anh ta bị bệnh tật gì không, anh ta cười lớn “Tao bị động kinh”. TS Phương chẩn đoán “Bị động kinh mà uống rượu coi như hỏng”. Thế rồi, ông lấy tâm lý của người bạn với người bạn trò chuyện với bệnh nhân. Một lúc, TS Phương phải ra bảo công an tháo còng cho anh ta nhưng ai cũng sợ bị anh ta đánh cho đến lúc TS Phương lại gần anh ta ôm chầm lấy và vỗ về “người bạn của tôi đây”, mọi người mới đỡ sợ.
Bệnh nhân nam điều trị tại khoa Cấp tính nam, BV tâm thần trung ương 1
TS Phương cho biết hầu như bệnh nhân cũng thích được trò chuyện nhưng điều ấy không phải bất cứ ai cũng làm được với người bệnh. Song những điều dưỡng, bác sĩ ở đây đều quen với công việc giao tiếp với người “điên” nên đôi khi họ cũng thành quen.
Tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, mỗi ngày có vài chục bệnh nhân. Hầu hết là những người đã từng đi chữa rất nhiều nơi, cầu cúng đủ kiểu nên khi đến viện kinh tế gia đình cũng đã khánh kiệt. Nhiều người còn mang bệnh nhân đến đây rồi bỏ mặc, chỉ đóng tiền mỗi tháng. Thế nên, bác sĩ cũng trở thành người nhà của họ.
“Cuộc chiến” với người điên
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu (Trưởng khoa 4 cấp tính nam) cũng chia sẻ, khoa của bác sĩ Thu điều trị bệnh nhân nam nhưng nhân viên của khoa chủ yếu là nữ. Khoa có 36 nhân viên, cả bác sĩ và điều dưỡng thì có đến 24 nữ. Đối với bác sĩ nữ, điều trị bệnh nhân tâm thần rất cực, nhất là bệnh nhân nam. Nhiều bệnh nhân chống đối lại bác sĩ, không chịu uống thuốc. Trong khi bệnh viện yêu cầu bác sĩ chỉ được cố định bệnh nhân, không được đánh, nên đôi khi ba bốn bác sĩ nữ vào giữ bệnh nhân mà vẫn bị ngã tung ra.
Bác sĩ Thu cho biết khám cho bệnh nhân tâm thần có một đặc thù là khám bằng tâm lý, trò chuyện với họ chứ không thể dựa vào phim chiếu chụp, các máy móc hiện đại, nên việc chẩn đoán bệnh rất khó. Hơn nữa, tiêm thuốc cho bệnh nhân cũng khác vì thuốc an thần chỉ cần sơ sảy là nguy hiểm cho bệnh nhân.
Không chỉ khám chữa bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng tại đây cũng phải trải qua nhiều sóng gió. Hàng ngày, các bác sĩ, điều dưỡng nhốt mình trong 4 bức tường cùng với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân như chăm con mọn. Nhiều bệnh nhân bác sĩ phải đút từng thìa, hoặc phải cố định rồi cho ăn bằng đường xông.
Bác sĩ Thu chia sẻ, ở đây ai cũng mắc bệnh nghề nghiệp: Nói to, nói nhiều, về nhà hay cáu kỉnh, quát mắng con vô cớ. Tuy nhiên nhiều khi họ bị người nhà bệnh nhân hiểu nhầm, lại tưởng quát bệnh nhân. Nhưng ở đây đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên thì bệnh nhân không sợ, có khi còn lao vào chống trả lại nhân viên bệnh viện.
Chị Thu tâm sự: "Cả ngày sống với những người điên vô thiên vô pháp, tự hành xử, nói năng theo ý thích, mình có nói họ cũng chẳng mấy khi nghe, nên sinh ra ức chế, mệt mỏi. Họ quậy phá thế nào, thậm chí đánh mắng mình, nếu mình cũng đánh mắng họ thì mình khác gì họ, nên cố gắng nín nhịn. Nhưng về nhà là bung ra hết ra có khi trút mọi mệt mỏi, nín nhịn ở cơ quan lên đầu chồng con hết”.