Nỗi lo ngộ độc thực phẩm
Chị Ngân ở Hà Nội, mua táo cho vào tủ lạnh suốt hai tháng, khi bỏ ra ngoài vỏ vẫn tươi rói nhưng bên trong thì hỏng hết. Chị Ngân nghi ngờ có hóa chất độc hại dùng để bảo quản lượng táo đó.
Thời gian gần đây, các bà nội trợ thường lo lắng về mức độ an toàn của thực phẩm được bày bán ở chợ chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị Hằng ở Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Hàng ngày đi chợ nhưng tôi rất lo lắng trong việc chọn lựa đồ ăn vì lo sợ sẽ có nhiều loại hóa chất, phụ gia trong thực phẩm. Tôi và gia đình đều băn khoăn liệu có phải tất cả các loại thực phẩm đều gây hại cho sức khỏe hay không?”.
Chị Thúy ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Mình đi chợ thường mua thức ăn, rau, quả theo cảm tính, cứ thấy rẻ và tiện đường thì mua. Nhưng gần đây thấy nhiều người nói những loại nông sản để được lâu đều chứa hóa chất độc hại nguy hiểm”.
Để giải đáp nỗi băn khoăn lo lắng của các bà nội trợ, Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết: “Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, đương nhiên khi người dân nghe thông tin dồn dập về những sự cố thực phẩm, trong đó có việc phát hiện các thực phẩm không an toàn, ngộ độc, sẽ rất lo lắng. Hàng năm Bộ NNPTNT đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả... cho thấy tỷ lệ gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá mức cho phép là 30% năm 2011. Việc lấy mẫu được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, đại diện cho sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất lớn, kích cỡ mẫu đủ lớn, đảm bảo tin cậy. Số liệu giám sát ba năm cho thấy không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại, ví dụ tệ nhất là thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30%, nhưng nếu ăn chín uống sôi là xử lý được. Bộ NNPTNT đang cùng các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc gia cầm".
Ông Tiệp (thứ tư từ trái qua phải) trong buổi tọa đàm
Cùng quan điểm với ông Tiệp, Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế. khẳng định: “Rõ ràng tỷ lệ ô nhiễm tại Việt Nam vẫn còn nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng không đáng lo ngại. Nói vậy không phải là bao biện, vẫn còn mối nguy, nhưng ngay cả không khí ta đang sống cũng có, có thể nhiễm vào thực phẩm khi vận chuyển, chỉ có nguy cơ đối với người không ăn chín uống sôi như tiết canh, ăn gỏi. Nếu ăn chín uống chín thì vi sinh sẽ bị tiêu diệt”.
Các bà nội trợ còn lo lắng về những thực phẩm không an toàn gây ngộ độc cấp tính hoặc có thể gây ngộ độc từ từ khiến họ hoang mang. Lý giải vấn đề này, ông Tiệp cho rằng: “Thực phẩm nếu mất an toàn, tồn dư các vi sinh vật có thể gây ngộ độc gây cấp tính như tả, lỵ thương hàn…, còn với những loại thực phẩm có tồn dư dư lượng chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng… thì thông thường tồn dư ở mức phần triệu, phần tỷ cũng có thể gây bệnh mãn tính hay ung thư. Tuy nhiên, hiện tại trong ngành nông nghiệp, bên cạnh sản xuất hữu cơ (không sử dụng hóa chất), thì người nông dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất trong canh tác nông nghiệp để tăng năng suất. Nếu sử dụng đúng liều, loại, đúng cách thì thực phẩm vẫn đảm bảo an toàn. Những năm gần đây tình trạng tồn dư hóa chất đã được tăng cường kiểm soát để giảm tồn dư hóa chất có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh mãn tính, ung thư”.
Liệu ức độ an toàn thực phẩm của các loại rau này đến đâu?. (Ảnh minh họa)
Tại buổi tọa đàm “Để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà” do cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến cáo nhằm hạn chế các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra như người tiêu dùng nên mua sản phẩm nông sản đã qua kiểm nghiệm hoặc mua tại các chợ, các siêu thị. Rau, củ quả phải được ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn, thực hiện ăn chín, uống sôi để phòng ngừa dịch bệnh.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế trong quý ba năm 2012 đã xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc với gần 2.300 người mắc bệnh, hơn 2.200 người phải đi viện và 15 người chết. Trong đó, có 16 vụ ngộ độc lớn trên 30 người. |