Nỗi đau từ... “ưng cái bụng”
Ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nơi có 90% dân số là người Mường, địa phương vốn là "điểm nóng" của tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Có tình trạng này, theo một cán bộ dân số của huyện Kim Bôi, là do người dân cứ thấy "ưng cái bụng" là nên vợ, nên chồng. Việc ấy trở thành tập tục lâu đời của bà con nơi đây. Thành vợ, thành chồng về ở với nhau, không qua cán bộ tư pháp hoặc chính quyền xã để đăng ký kết hôn, vì vậy đã xảy ra nhiều hệ lụy.
Chỉ vì ưng cái… bụng
Khi biết chúng tôi tìm hiểu về tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, BS. Bùi Văn Nghệ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Đồng nói: "Vài năm trở lại đây, không khí ảm đạm bao phủ cả một vùng quê nghèo vì hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Toàn xã hiện có 10 em bị bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) thì có 2 em đã tử vong còn 8 em đang phải trải qua cuộc sống hết sức thương tâm. Phần lớn các em đều còn ở độ tuổi rất trẻ, từ 4 - 28 tuổi, trong đó có những em đã lớn, đến tuổi trưởng thành nhưng cũng chỉ sống theo kiểu "tầm gửi".
BS. Bùi Văn Nghệ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Q. và chị Bùi Thị B., ở xóm Cốc, xã Vĩnh Đồng. Được biết, anh chị sinh được 3 người con nhưng cả 3 đều béo, thấp, ngớ ngẩn và kém thông minh so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Cô con gái cả Bùi Thị Tr. năm nay đã 25 tuổi nhưng trí tuệ không phát triển, lúc tỉnh lúc mê, thỉnh thoảng theo mẹ ra đồng làm ruộng, chỉ gì làm nấy. Chị B., mẹ cháu Tr. tâm sự: "Nhiều lúc Tr. ngẩn ngơ, chỉ biết cười cả ngày, ai trêu gì cũng cười, ai hỏi gì cũng cười chỉ đến khi "tức chí" quá thì chửi tất cả mọi người đứng trước mặt". Hai đứa em sau Tr. là Bùi Thị Nh. (21 tuổi) và Bùi Duy H. (11 tuổi) cũng đều mắc chứng bệnh như chị. Mặc dù H. đã 11 tuổi nhưng không được đi học vì học cũng chẳng vào đầu hoặc có đến lớp cũng chỉ biết cười ngơ ngẩn. Nhiều hôm bố mẹ đưa đến lớp, khi tan học sớm cháu tự về nhà, nhưng đi mãi cũng chẳng biết mình đi đâu về đâu.
Cháu Bùi Duy H. đã 11 tuổi nhưng trí tuệ chậm phát triển so với trẻ khác.
PGS.TS. Trần Đức Phấn, Trưởng bộ môn Y sinh học - Di truyền, Đại học Y Hà Nội thì những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp hàng chục lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và phenylketon niệu (rối loạn chuyển hóa phenylalanin) và các bệnh rối loạn chuyển hóa khác. |
Cả hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống bình thường. Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như phenylketon niệu, galactose máu (tăng galactose trong máu gây nôn, phát triển kém…), bạch tạng, câm điếc... làm suy giảm chất lượng dân số, giống nòi và là gánh nặng cho gia đình, dòng họ và cả xã hội.
Vợ chồng anh Q. chị B. nháo nhác đi tìm, vài tiếng sau mới biết "cậu quý tử" đang thẳng tiến về phía thị trấn vì không biết đường về nhà... Nhắc tới câu chuyện của mình, chị B. nhớ lại: "Khoảng cuối năm 1986, đầu năm 1987, khi anh Q. đi bộ đội về, hai anh chị gặp gỡ, tìm hiểu được vài tháng rồi tiến tới hôn nhân. Hồi đó, chúng tôi chỉ biết ưng nhau thì lấy, mặc dù vẫn biết là có họ hàng với nhau (anh Q. và chị B. là con chú con bác - PV). Chúng tôi nghĩ đơn giản là họ hàng gần gũi sẽ càng yêu thương nhau hơn, thế nên quyết định làm đám cưới. Ai ngờ, khi sinh các cháu ra lại bị bệnh như vậy, hiện gia đình chỉ mong sao y học phát triển để có thể chữa trị cho các cháu đỡ khổ sau này".
Truyền thông để thay đổi hành vi
Lý giải về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, một cán bộ dân số huyện Kim Bôi cho biết, xuất phát từ những phong tục, tập quán, đặc biệt là những hủ tục lạc hậu của một số bộ phận người dân tộc thiểu số khi trong làng có những nhà lang (gia đình giàu có - PV) có con cái đến tuổi lấy vợ lấy chồng đều ép hoặc mai mối để con em mình hay trong cùng dòng họ lấy nhau. Có như vậy mới có thể giữ được của cải. Và những của cải này mới không bị người ngoài lấy, mang đi mất.
Thêm nữa, trước đây do đi lại giữa các vùng núi khó khăn, nên các trường hợp cận huyết thống lấy nhau là điều khó tránh. Cũng theo vị cán bộ dân số này, toàn huyện Kim Bôi hiện có hơn 90% dân số là người dân tộc Mường, người dân nơi đây bao đời chỉ quen với ruộng vườn, con trâu, cái cuốc. Cái chữ đối với nhiều người vẫn còn là một thứ xa xỉ. Văn hóa đối với họ chỉ là những "phép tắc" của ông cha để lại. Nhiều khi, mọi thứ như được sắp đặt sẵn, hoặc theo thói quen chứ không hề biết "hủ tục hay thủ tục" ấy vi phạm như thế nào so với quy định của pháp luật.
Tập tục hôn nhân của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số chỉ cho phép lấy người cùng dân tộc. Cứ 5 trường hợp kết hôn trong cộng đồng người Sán Chỉ thì có 1 cặp hôn nhân cận huyết. Hậu quả là những đứa trẻ bị thiểu năng, chậm phát triển, tuổi thọ trung bình của người Sán Chỉ là 45 tuổi... Hiện nay, chưa có đánh giá cụ thể về hậu quả của hôn nhân cận huyết khiến mọi biện pháp tuyên truyền thời gian qua chưa đủ sức răn đe.
Bà Bùi Thị Chuyên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi nói: "Tôi mang Luật ra để phổ biến thì họ bảo dân tộc họ vẫn thế, không có gì cấm kỵ cả. Tôi bảo sẽ ảnh hưởng đến con cái thì họ bảo, con cái vẫn sinh ra, vẫn "bình thường" đấy thôi".
Trong mỗi nếp nhà, những đứa trẻ vẫn luôn nghe câu hát về tục kết hôn của dân tộc mình, đại ý rằng: "Để tình cảm anh em tồn tại mãi thì con chị phải lấy con dì". Còn trong vòng quay của cuộc sống này, những người mẹ lại hy vọng cô con gái mình sẽ không phải tiếp nối những hủ tục mà cha mẹ nó đã lỡ bước.