Nỗi đau của người chuyển giới

Nỗi đau của cô là nỗi đau của hàng nghìn người chuyển giới khác, khi đang sống một cuộc đời “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Là con gái nhưng vẫn bị gọi đi khám nghĩa vụ quân sự, phải lột đồ, bị dè bỉu… là nỗi ám ảnh khôn nguôi của cô gái Jessica (Tp Hồ Chí Minh).

“Kỷ niệm ám ảnh em nhất chính là lần em bị gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Khi nhìn thấy hình dáng của em, em chắc, những người khám tuyển chắc chắn biết được em là người chuyển giới. Tuy nhiên, em vẫn bị gọi vào phòng khám tuyển, bắt cởi đồ.

Lúc vào phòng, rất nhiều nam giới đang trần như nhộng, đến nhìn em còn chả dám, nói gì cởi. Thấy em nhất định không chịu cởi, cán bộ khám tuyển mời mọi người ra, chỉ còn 3 cán bộ khám tuyển thì ở lại. Họ bắt em cởi áo, em đành cởi. Lúc đó, em chưa phẫu thuật nhưng đã uống hoóc môn, vì thế, ngực em cũng đã to ra đáng kế. Thấy vậy, họ ghi vào hồ sơ “bị dị tật tuyến vú”. Họ bắt em cởi quần nhưng em nhất định không chịu, bảo họ muốn ghi gì thì ghi rồi bỏ ra ngoài. Họ bắt em đứng vào góc, giải quyết cuối cùng.

Em nhớ, một cán bộ đã nhìn em rồi nhăn mặt bảo: “Cha mẹ mày ăn gì mà đẻ ra cái loại dị hợm như mày”. Đó là câu nói em đau đớn và phẫn uất nhất. Cha mẹ em tội tình gì mà phải chịu khinh khi như vậy” – Jessica – một người chuyển giới nữ chia sẻ một cách đau đớn.

Jessica (sinh năm 1983) tên thật là Nguyễn Hữu Toàn. Nhưng hiện cô đang là một phụ nữ rất xinh đẹp với đôi môi hồng thắm, hàng mi cong vút, che rợp đôi mắt đen láy.

Cô chia sẻ, sinh ra với bộ phận sinh dục nam, khai sinh giới tính là nam, tên gọi cũng nam nhưng từ nhỏ, cô đã thích mặc quần áo con gái, chơi với con gái. Nhưng lúc đầu, bố mẹ hay bạn bè chỉ nghĩ cô nghịch ngợm “khác người”. Nhưng khi đến lớp 7, lớp 8, khi cô vẫn tiếp tục ăn mặc như con gái thì bị thầy cô, bạn bè cho là dị hợm. Bố mẹ đánh mắng, sau đó đưa Jessica đi bệnh viện xét nghiệm hoóc môn.

Kết quả bác sĩ là “hàm lượng hoóc môn nữ của Jessica cao hơn bình thường. Nghĩ con mình có ma nhập, cha Jessica mời thầy cúng về để “đuổi ma”, trừ tà”. Cha mẹ còn suốt ngày đánh mắng, với hy vọng cho Jessica “chừa thói hư hỏng, nhố nhăng”. Suốt quãng thời gian đó, Jessica sống trong đau khổ, dày vò. Đang học trường Cao đẳng, nhưng Jessica cũng phải bỏ giữa chừng vì không chịu nổi sự soi mói của bạn bè, thầy cô.  cùng, không chịu nổi, cô phải bỏ học, bỏ nhà ra ngoài sống.

Nhưng xã hội cũng không thừa nhận một cô gái, chứng minh thư tên nam giới, giọng ồm ồm. Jessica phải gõ cửa nhiều nơi để xin việc, nhưng người ta nhìn Jessica, nhìn giấy tờ rồi chối đây đẩy. Jessica thích nhất là nghề trang điểm nên cô mày mò tự học, tay nghề rất khá. Tuy nhiên, khi cô đến hàng trang điểm cô dâu xin việc, họ biết cô là người chuyển giới thì từ chối “vì nếu em trang điểm thì các cô dâu sẽ ngại vì dù sao thì em vẫn là nam giới.

Nỗi đau của người chuyển giới - 1

 Cô gái xinh đẹp Jessica 

Jessica đã phải sống cực khổ với rất nhiều nghề, từ trang điểm đến hát đám ma, hát vũ trường để kiếm sống. Bằng nỗ lực của mình, đến giờ Jessica đã là chủ một cơ sở trang điểm mà nhân viên cũng là người chuyển giới hoặc đồng tính. Cô còn mở lớp dạy trang điểm cho người cùng giới. Ngoài ra, Jessica còn thành lập một ban nhạc mang tên J’s Band – với hơn 20 thành viên, chuyên đi biểu diễn tại các quán bar, vũ trường.

Cô cũng đã sang Thái Lan để phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm hoóc môn nữ để được mang thân hình nữ giới thực sự. Tuy nhiên, số phận của nam giới vẫn bám đuổi, nhắc nhở đến nỗi đau mỗi khi người khác nhìn vào giấy tờ của cô.

Jessica cho biết, nỗi ám ảnh của tất cả những người chuyển giới như cô chính là phải dính dáng đến pháp luật, phải đi lên chính quyền, phải đi máy bay hoặc làm những việc phải “chìa giấy tờ”. “Hầu hết tụi em đều bị căn vặn, bị miệt thị và nhiều lần bị từ chối mỗi khi cần chứng nhận giấy tờ nào đó. Cán bộ chính quyền luôn coi tụi em là những kẻ hư hỏng, phạm pháp hoặc sắp âm mưu phạm pháp khi thay đổi hình dạng bên ngoài” – Jessica tâm sự.

Mới đây, một người bạn của cô đã bị sốc thuốc khi tự tiêm hoóc môn do không tìm được cơ sở y tế nào chịu hướng dẫn hoặc tiêm hoóc môn cho người chuyển giới. Chính Jessica cũng đã phải tự mua thuốc từ các nguồn trôi nổi, tự tiêm và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sức khỏe của mình. Còn 2 người bạn khác của cô, không thể tìm được việc do hình hài “tên nam, dáng nữ” phải sống kiếp “làm vợ người ta” nên cũng đã nhiễm HIV. “Chúng tôi giống như người vô hình trong pháp luật, bị kỳ thị, đẩy ra bên lề cuộc đời trong khi chỉ có một tội duy nhất là sống thực với mong muốn của mình” – Jessica chia sẻ.

Jessica cho biết, cô chưa dám mơ đến việc được thay đổi giới tính trong khai sinh, được thừa nhận hôn nhân. “Em chỉ mong muốn duy nhất được đổi tên mình trong giấy tờ, một cái tên nữ tính hơn để chúng em lần chìa giấy tờ ra đỡ tủi thân khi bị soi mói, dè bỉu. Chẳng nhẽ điều đó cũng khó thế sao?”.  

Nghiên cứu (trên 223 người chuyển giới) được chia sẻ tại cuộc Hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong luật pháp Việt Nam” do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE tổ chức ngày 27.6, cho thấy, người chuyển giới bị kỳ thị, gặp nhiều khó khăn về nhân thân khi tên và giới tính trong giấy tờ là nam (nữ) nhưng hình dạng lại là giới tính ngược lại. Do bị kỳ thị, họ không có cơ hội tìm việc làm ổn định. Chỉ có 11,4% đi làm cơ quan nhà nước, 36,7% đi làm công ty tư nhân, 14% kinh doanh riêng, 12,6% phụ giúp gia đình… Có tới 14% đi hát (đám ma, quán bar, diễn thời trang) và 2,53% phải làm nghề mại dâm… Họ cũng gặp rất nhiều vấn đề về y tế khi tự uống thuốc (tránh thai nội tiết), chích hoóc môn, phẫu thuật thẩm mỹ… nhưng không hề có cơ sở y tế nào chịu chăm sóc sức khỏe cho họ. Nhiều người trong số họ bị trầm cảm, dùng chất kích thích, rạch tay tự tử vì những nỗi đau chuyển giới.

Theo nghiên cứu trên thế giới, có khoảng 0.3-0,5% dân số là người chuyển giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN