Nối dài nỗi lo vắc-xin Quinvaxem

Sau hàng loạt ca tai biến nghiêm trọng, dư luận càng lo ngại về vắc-xin Quinvaxem giá rẻ.

Ngày 15/3, cháu V.A (4 tháng tuổi, ngụ TP Đà Lạt - Lâm Đồng) đã tử vong sau khi tiêm vắc- xin “5 trong 1” Quinvaxem (ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B và Hib). Đây là trường hợp tử vong thứ hai ở TP Đà Lạt trong vòng 5 tháng qua. Không chỉ cháu V.A tử vong sau tiêm Quinvaxem này hơn 10 trường hợp khác cũng có các biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng.

Vắc-xin “đạt chuẩn”?!

Ông Trần Mạnh Hạ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết mẫu vắc-xin liên quan đến trường hợp cháu V.A tử vong đã được chuyển đến Viện Kiểm định vắc-xin và Sinh phẩm y tế để kiểm tra. Lô vắc-xin liên quan đã bị tạm ngừng sử dụng tại TP Đà Lạt. Sở Y tế Lâm Đồng đã yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng khảo sát, đánh giá tình trạng phản ứng sau 2 giờ tiêm vắc-xin đối với các gia đình có trẻ tiêm Quinvaxem.

Hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra nhưng Bộ Y tế vẫn một mực khẳng định vắc-xin này an toàn, những trường hợp tử vong chỉ là nhỏ lẻ và tỉ lệ vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép của nhà sản xuất! Đáng nói là trong khoảng thời gian rất ngắn (từ ngày 20-12-2012 đến 5-1-2013), có tới 5 ca tai biến sau tiêm.

Ngay sau đó, Bộ Y tế vào cuộc nhưng rồi kết luận đưa ra vẫn chỉ là “không tìm thấy có bằng chứng liên quan đến vắc-xin” bởi quy trình tiêm đúng, chất lượng vắc-xin đạt chuẩn, bảo quản vận chuyển đúng quy định. Như vậy, chỉ có thể quy vào “cơ địa trẻ quá nhạy cảm”?

Phụ thuộc nguồn viện trợ

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng từ tháng 6-2010, tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Vắc-xin này do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều.

Đến thời điểm này, nhiều lô liên quan đến các vụ tai biến đã bị tạm dừng sử dụng để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trong khi nguyên nhân nhiều vụ tai biến cũ còn chưa được công bố thì tiếp tục xảy ra những ca tử vong khác làm hoang mang dư luận. Nhiều gia đình đã ngừng tiêm vắc-xin này hoặc chấp nhận bỏ ra khoản tiền 1,5-2 triệu đồng để tiêm vắc-xin dịch vụ cho con với hy vọng hạn chế rủi ro từ thuốc miễn phí. Chính điều này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi tại sao Bộ Y tế không dành khoản tiền GAVI hỗ trợ để mua một loại vắc-xin ít nguy cơ hơn mà sử dụng vắc-xin thế hệ cũ ngay cả nước sản xuất là Hàn Quốc cũng không còn dùng?

Đại diện Bộ Y tế cho rằng GAVI viện trợ bằng vắc-xin chứ không phải tiền mặt. Do vậy, không thể bổ sung ngân sách Nhà nước cùng với nguồn viện trợ để có thể mua một loại vắc-xin thế hệ mới có độ tinh khiết cao hơn. Hơn nữa, đây là vắc-xin có giá thành thấp (gần 100.000 đồng/liều) trong khi vắc xin thế hệ mới đắt gấp 6 - 7 lần, nếu bỏ tiền mua để đủ cho 4 - 5 triệu liều/năm sẽ rất khó khăn.

Nối dài nỗi lo vắc-xin Quinvaxem - 1

Sau hàng loạt tai biến do vắc-xin Quinvaxem, các bậc phụ huynh lo ngại khi tiêm chủng cho trẻ: Ảnh: KHÁNH ANH

Trả lời báo giới, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam nghèo nên phải dùng vắc-xin thế hệ cũ. Theo ông, vắc-xin này hiện đang sử dụng ở 90 quốc gia.

Ông Hiển thừa nhận trong vắc-xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên có thể gây phản ứng tại chỗ sau tiêm, thường là sốt, sưng đỏ chỗ tiêm và nặng hơn là sốc phản vệ, trong khi các vắc-xin phối hợp mới chứa thành phần ho gà vô bào nên ít gây phản ứng. Dù vậy, đến thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin Quinvaxem có vấn đề về chất lượng. Theo WHO, vắc-xin này vẫn hiệu quả trong phòng bệnh với tỉ lệ tai biến chấp nhận được.

Không phải “thủ phạm” vẫn niêm phong!

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết sau khi xảy ra sự cố bé Nguyễn Thành L. (3 tháng tuổi, ngụ huyện Gia Lâm - Hà Nội) tử vong hôm 5-1 sau tiêm vắc-xin Quinvaxem, sở đã tạm dừng sử dụng lô vắc-xin này. Dù đã có kết luận khẳng định nguyên nhân tử vong không liên quan đến chất lượng vắc-xin nhưng hiện số vắc-xin nói trên vẫn tiếp tục được niêm phong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHÁNH ANH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN