Những trường hợp nào mắc sốt xuất huyết cần nhập viện ngay?
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện.
Bộ Y tế vừa có Quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ: Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
(Ảnh minh họa).
Ngoài việc chỉ định nhập viện đối với các trường hợp mắc sốt xuất huyết ở mức độ cảnh báo và mức độ nặng, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết ở mức độ 1, có 8 trường hợp cũng được xem xét chỉ định nhập viện, gồm: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người từ 60 tuổi trở lên; bệnh mạn tính đi kèm (như: Thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu…).
Bộ Y tế cũng lưu ý, chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước, Hct tăng cao (tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu tăng cao).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay có 823 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động. Theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ...
Dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo, hiện vắc xin phòng bệnh đang tiếp tục được đánh giá. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn...