Những tổn thương của cơ thể khi nhiệt độ xuống thấp
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, Bộ Y tế hướng dẫn cho người dân các biện pháp an toàn giữ sức khỏe.
Bệnh nhi cấp cứu tại BV Nhi T.Ư. Ảnh" Thái Hà
Theo đó đối với trẻ em, khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài từ 3-5 ngày, kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, hoặc pha nước muối ấm để súc họng giúp thông thoáng đường hô hấp trên, tránh viêm mũi, họng và đường hô hấp trên; thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Khi thấy có những biểu hiện bất thường như nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, hen xuyễn; ho, sốt cao, khó thở… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng (chú ý phân biệt với các triệu chứng của COVID-19).
Khi nhiệt độ thấp có thể gây ra một số tổn thương cho cơ thể như: cóng, lạnh cứng, cước... Các tổn thương này có thể gia tăng ở người mắc bệnh mạn tính. Tùy từng mức độ tổn thương, cần xử trí đúng cách để giảm nguy hại tới sức khỏe.
Khi ra ngoài hoặc làm việc trong điều kiện thời tiết lạnh, những phần cơ thể phải tiếp xúc nhiều với nhiệt độ thấp như mặt, bàn tay, bàn chân,... thường xảy ra tình trạng nứt nẻ, tê cóng, cước,... Tùy từng mức độ tổn thương, cần xử trí đúng cách để không nguy hại tới sức khỏe.
Ở mức độ nhẹ là cóng - đây là tổn thương nhẹ nhất do lạnh. Triệu chứng bao gồm đau buốt, tím vùng tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Tổn thương loại này thường hồi phục hoàn toàn sau khi được làm ấm và không có tổn thương mô. Nếu tổn thương kiểu này tái diễn nhiều lần có thể dẫn tới teo hoặc mất lớp mỡ dưới da.
Lạnh cứng là biểu hiện nặng hơn. Vùng mô bị đông lạnh với sự tắc nghẽn vi mạch dẫn tới thiếu ôxy mô. Một số các tổn thương mô có thể là hậu quả sau tái tưới máu khi làm ấm nạn nhân theo các mức độ như: Độ 1 có nề đỏ nhưng không có hoại tử. Độ 2 có nổi nốt phỏng nước như bỏng trên nền sung huyết kèm hoại tử một phần bề mặt nông của da. Độ 3 biểu hiện bằng hoại tử da toàn bộ và lan xuống phần dưới da và thường kèm với các nốt xuất huyết. Độ 4 có hoại tử sâu xuống cả phần cơ xương khớp.
Cước là tình trạng thương tổn phù nề khu trú ở đầu chi do tiếp xúc với nhiệt độ thấp gây nên. Cước được phân loại: Cấp tính khi thương tổn xuất hiện trong vòng 12-24 giờ sau khi bị lạnh và kéo dài khoảng 1-2 tuần. Cước mạn tính xảy ra khi tiếp xúc nhiều lần với nhiệt độ thấp, thương tổn thường tồn tại dai dẳng để lại sẹo hoặc teo mô vùng bị tổn thương.
Đối với bệnh nhân bị tổn thương do lạnh, cần có biện pháp xử trí phù hợp. Cần ủ ấm hoặc làm ấm bệnh nhân bằng phòng có sưởi ấm. Ngâm nước ấm (40oC khoảng 20-30 phút cho tới khi chi hồng ấm. Không nên làm ấm bằng nhiệt nóng, khô và xoa bóp. Có thể cho bệnh nhân đắp chăn ấm, uống nước ấm và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc điều trị.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần bảo đảm cơ số thuốc điều trị và dự phòng cho người dân; bảo đảm tốt chế độ trực; tăng cường kiểm soát đối với các bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp… đặc biệt ở người già và trẻ em.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị cho người bệnh phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian thăm khám, làm thủ thuật và nằm điều trị.
Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; chuẩn bị các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra.
Tình trạng táo bón xảy ra vào mùa lạnh có liên quan nhiều đến một số thói quen như lười uống nước, ít vận động.
Nguồn: [Link nguồn]