Những thực phẩm ngon miệng nhưng dễ gây tắc ruột nếu ăn nhiều và ăn sai cách

Sự kiện: Sống khỏe

Từ trường hợp một bệnh nhân vừa phải cấp cứu tại BVĐK tỉnh Phú Thọ do ăn mít dẫn đến tắc ruột, nhiều người đặt câu hỏi: vậy những thực phẩm nào dễ gây tắc ruột, dấu hiệu và cách phòng tránh như thế nào?

1. Thực phẩm nào dễ gây tắc ruột?

BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận cấp cứu cho một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chướng bụng và đau quặn, buồn nôn. Bệnh nhân có tiền sử ung thư dạ dày, từng truyền hóa chất một đợt, sau đó bỏ dở điều trị, chuyển sang ăn chế độ thực dưỡng. Trước nhập viện, người bệnh cho biết đã ăn nhiều mít mật và bị đau bụng, bụng chướng, nôn, phải nhập viện cấp cứu.

Sau khi được bác sĩ thăm khám và kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng xác định, bệnh nhân tắc ruột do bã thức ăn. Bác sĩ chỉ định đặt sonde dạ dày, truyền dịch, dinh dưỡng, sử dụng thuốc làm mềm thức ăn kết hợp giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng không có tiến triển, khối thức ăn cứng không vượt qua đoạn ruột bị tắc nên bệnh nhân phải phẫu thuật xử lý khối bã thức ăn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do khối thức ăn khiến đoạn ruột bị tắc đóng đặc, chặn lưu thông bình thường của đường tiêu hóa. Ngoài ra, do bệnh nhân từng phẫu thuật cắt dạ dày nên khả năng co bóp, nghiền nát thức ăn không tốt. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tập ăn thực phẩm mềm, dạng lỏng.

Trên thực tế, không chỉ có mít mà nhiều thức phẩm khác cũng có thể gây tắc ruột. Các bác sĩ cảnh báo, khi ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: mít, măng, trái cây có nhiều tanin (như quả hồng, hồng xiêm, ổi…) sẽ tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, khối bã thức ăn hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống ruột non, gây ứ đọng và bị nén chặt cứng dẫn tới tắc ruột.

Ăn quá nhiều trái cây có cấu trúc sợi cellulose gây ra hoặc góp phần gây tắc nghẽn. Một trong những loại trái cây phổ biến nhất được báo cáo gây tắc ruột là quả hồng, ngoài ra đã ghi nhận các trường hợp tắc ruột do trái cây họ cam quýt nói chung và một số loại trái cây sấy khô khác, các loại hạt và hạt khô, ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì nhiều chất xơ khác... 

Thực phẩm nhiều chất xơ, dai như mít dễ gây tắc ruột.

Thực phẩm nhiều chất xơ, dai như mít dễ gây tắc ruột.

2. Dấu hiệu nhận biết tắc ruột

Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Xanh Pôn, các trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn thường có biểu hiện:

Đau bụng: Thường đau bụng thành từng cơn, giữa các cơn đau bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

Nôn: Bệnh nhân nôn ra thức ăn cũ, dịch tiêu hoá.

Bụng chướng: Bụng chướng hơi và có xu hướng tăng lên nếu không được điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp vị trí tắc ở cao (gần dạ dày) bụng chướng ít hoặc thậm chí không chướng.

Bí trung đại tiện: Bệnh nhân không trung tiện và đại tiện được.

Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng ứ trệ sẽ nặng lên gây ra các cơn đau, nôn mửa, phát triển vi khuẩn trong lòng ruột… có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: mất nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, một số trường hợp có thể dẫn đến hoại tử các quai ruột gây vỡ ruột, thủng ruột, nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu nghi ngờ tắc ruột, cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.3. Cách ăn uống phòng ngừa tắc ruột

Để phòng tránh tắc ruột do bã thức ăn, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần lưu ý khi ăn uống như sau:

- Nên ăn chậm, nhai kỹ, không ăn vội vàng, ăn quá nhanh.

- Nên sử dụng thức ăn được nấu chín, nấu mềm.

- Hạn chế ăn thức ăn quá thô, dai, cứng, thức ăn khó tiêu.

- Không nên nuốt khối thức ăn cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục, nuốt hột trái cây.

- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều tanin như hồng ngâm, hồng xiêm, xoài xanh, ổi; thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, mít…

- Không nên ăn thức ăn giàu chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là khi bụng đói.

Hồng xiêm chứa nhiều tanin có thể gây tắc ruột.

Hồng xiêm chứa nhiều tanin có thể gây tắc ruột.

Cần lưu ý, những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn thường là người già răng yếu, khả năng nhai nuốt giảm; người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc viêm tụy mạn tiêu hoá thức ăn kém; ăn những thức ăn có nhiều xơ, sợi dai, khó tiêu hoá; người bệnh tâm thần tự ăn lông, tóc… Những trường hợp này càng cần cẩn trọng khi sinh hoạt và ăn uống để tránh bị tắc ruột.

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan cũng lưu ý trong chế độ ăn uống hằng ngày, mọi người nên bổ sung các loại rau xanh, mềm, có độ nhớt như rau đay, mồng tơi, đậu bắp… Cần uống đủ nước, trung bình mỗi ngày 2l nước để giúp hệ tiêu hoá lưu thông tốt hơn.

Ăn quá nhiều mít, người phụ nữ 40 tuổi bị tắc ruột

Ăn mít không đúng cách có thể tạo bã xơ đóng đặc, gây tắc ruột và nhiều nguy cơ cho sức khoẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Phương ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN