Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ

Tại khoa dinh dưỡng các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM, trẻ đến khám suy dinh dưỡng luôn chiếm tỷ lệ hơn 50% số trẻ đến khám.

Một thống kê mới nhất ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em vẫn đang ở mức báo động với tỷ lệ thiếu hụt dinh dưỡng đến 31,9%. Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu trẻ nhẹ cân, 2,56 triệu trẻ em thấp còi và hàng nghìn trẻ tử vong do những nguyên nhân liên quan đến SDD.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM, hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Dinh dưỡng tiếp nhận trên 100 trẻ SDD, nhẹ cân, biếng ăn đến khám. Theo ThS-BS Mai Quang Huỳnh Mai, Khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, hầu hết các trường hợp trẻ biếng ăn, nhẹ cân đều bắt nguồn từ sai lầm của các bà mẹ.

BS Huỳnh Mai cho biết, có đến… 90% trường hợp trẻ SDD là do mẹ chế biến bữa ăn sai cách. Hầu hết các bà mẹ không nắm được cần cho trẻ cần ăn số lượng bao nhiêu trong ngày. Ví dụ, trung bình trẻ cần ăn bốn-năm chén cháo hoặc cơm nát mỗi ngày, thế nhưng các bà mẹ đều cho trẻ ăn không đủ bữa khiến trẻ SDD. Nhiều gia đình cho rằng trẻ đã lớn, ăn theo người lớn, ba bữa là đủ, và không biết rằng, ngoài ba bữa, trẻ cần được ăn thêm hai-ba bữa phụ như: sữa, cháo, chè, chuối…

Bữa ăn cho trẻ không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất bột đường, chất béo cũng khiến trẻ SDD. Ví dụ khi nấu cháo, mẹ chỉ chú trọng sao cho thật nhiều thịt, cá, nhưng lại quên cho vào muỗng dầu ăn, vì thế trẻ dư chất đạm nhưng lại thiếu chất béo.

Suy dinh dưỡng cũng là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hai-ba tháng tuổi. Nguyên nhân thường gặp nhất là do các bà mẹ không biết cách cho con bú. Thay vì cho bé bú cạn hết một bên sữa rồi mới đổi bên (vì sữa cuối nguồn mới là sữa nhiều chất dinh dưỡng) thì các bà mẹ cứ thấy con lưng lửng bụng là ngừng hoặc cho bú bên này một chút rồi chuyển sang bên kia.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ - 1

Cha mẹ cần trau dồi kiến thức chăm trẻ để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng cho con - Ảnh: L.V.

Một sai lầm thường gặp nữa là cho bé uống nước quá nhiều. Cứ thấy trẻ chép miệng là cho trẻ uống nước khiến bé no, bú ít. Một số bà mẹ thì cho con ăn dặm, ăn trái cây quá sớm, khi mới hai-ba tháng tuổi khiến trẻ giảm lượng bú.

Một số cha mẹ bận đi làm, không có thời gian chăm sóc trẻ nên thường gửi trẻ ở các nhà giữ trẻ, hoặc nhờ người trông coi. Hầu hết các trẻ SDD quá mức đều nằm trong trường hợp này. Cũng có nhiều bà mẹ bận công việc nên chế biến thức ăn sẵn cho trẻ, chia làm nhiều gói để sẵn trong tủ lạnh, đến bữa ăn thì rã đông và hâm lại.

Do ăn đi ăn lại một món nên trẻ có tâm lý chán, dẫn đến biếng ăn, SDD. Một số trẻ biếng ăn được mẹ cho dứt sữa để ăn khá hơn. Đây là một sai lầm, vì các trẻ này sau khi bị dứt sữa sẽ càng SDD, thậm chí thiếu canxi trầm trọng vì không đủ sữa. Ngoài các trường hợp thiếu các chất dinh dưỡng cơ bản, nhiều trẻ còn SDD vì thiếu vi chất như thiếu canxi, thiếu sắt, thậm chí ở một số nơi, vẫn còn có trẻ thiếu vitamin A.

Các bé “thiếu chất” đều có những triệu chứng giống nhau là hay quấy khóc, kém linh hoạt, các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to. Thậm chí, nhiều trẻ còn chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng, ít vui chơi…

Để nhận biết SDD, ngoài các dấu hiệu trên, cha mẹ còn có thể dựa vào các chỉ số chuẩn để so sánh với con mình. Cách thứ nhất là dựa vào cân nặng theo tuổi. Khi trẻ mới sinh nặng cỡ 3kg, sau năm tháng tăng gấp đôi, 12 tháng tăng gấp ba; sau đó mỗi năm tăng thêm 2kg. Khi bé sáu tuổi thì cân nặng khoảng 20kg.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ - 2

Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất trong khoảng thời gian từ sáu đến 24 tháng tuổi

Trẻ dễ bị SDD nhất trong khoảng thời gian từ sáu đến 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ các bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang dần thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật, nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ, sinh nhẹ cân hoặc sinh đôi, sinh ba... Những bé ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém hoặc đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn (như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp) cũng dễ bị SDD.

Để phòng tránh SDD, theo bác sĩ Huỳnh Mai, ngay khi cha mẹ thấy trẻ dừng tăng cân, nên đưa trẻ đến khám sớm để có kế hoạch can thiệp chống SDD. Các bà mẹ cũng có thể đến khoa dinh dưỡng ở các bệnh viện nhi, trung tâm dinh dưỡng để được hướng dẫn cách thực hiện bữa ăn cân đối và đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Vân (Phụ nữ Online)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN