Những sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị ho
Trẻ ban đầu có thể chỉ ho vài tiếng/ngày, cha mẹ không để ý có thể khiến trẻ tăng nặng, ho rũ rượi, thậm chí tím tái và biến chứng nặng.
Trẻ nhập viện cấp cứu do bị biến chứng từ những cơn ho.
Chỉ trong vòng 1 tháng, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng viêm phổi. Những trường hợp này, ban đầu có thể chỉ ho vài tiếng/ngày nhưng ngày càng tăng nặng, sau đó ho rũ rượi, thậm chí tím tái. Hầu hết các ca bệnh khi đưa vào bệnh viện cấp cứu đều trong tình trạng bệnh nặng, đã có biến chứng.
BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung Ương cho biết, các trường hợp các trường hợp mắc ho gà chủ yếu do chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm phòng chưa đủ mũi. Chỉ cần cha mẹ không theo dõi sát, trẻ có thể xảy ra biến chứng rất nặng.
Thực tế, tại BV Nhi Trung ương, hầu hết các ca bệnh mắc ho gà ở độ tuổi dưới 3 tháng tuổi. Đây cũng là điều đáng lo ngại khiến các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao, đưa con tới cơ sở y tế thăm khám, phát hiện sớm để điều trị.
Theo bác sĩ Lâm, trẻ dưới 1 tuổi khi mắc bệnh ho gà dễ bị tiến triển nặng, tỉ lệ tử vong lên tới 90%. Ngoài ra, với trẻ bị ho gà, một trong những biến chứng thường gặp là viêm phổi, thậm chí gặp phải cơn ngừng thở trong khi ho.
ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, ho gà khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.
Không chỉ gây ho, mà ho gà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như gây viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhiều ca phải thở máy dài ngày. Trong khi đó, với trẻ nhỏ phải vào thở máy vì suy hô hấp cơ hội là 50 – 50 bởi diễn biến bệnh ở trẻ rất khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì đã suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy, với thời gian điều trị từ 2 – 3 tuần liên tục rất vất vả. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ biến chứng càng cao, điều trị càng khó khăn hơn.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng vạch ra 7 sai lầm thường gặp của mẹ khi chăm sóc trẻ bị ho như cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, cho trẻ dùng kháng sinh sớm, sử dụng lại toa thuốc cũ, cho bé uống thuốc ho dành cho người lớn, dùng các loại thuốc ức chế ho…
Bên cạnh việc tránh các sai lầm trên, các mẹ cũng chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi bị ho, cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng, không bị nóng quá hay lạnh quá, tránh các đồ ăn kích thích niêm mạc họng gây ho…