Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012

Tai biến sản khoa; Viện phí mới; Bác sĩ Trung Quốc khám “chui; Không tìm ra nguyên nhân bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi… là những sự kiện đáng chú ý của ngành y tế trong năm 2012.

Tăng viện phí, không cam kết tăng chất lượng

Viện phí mới áp dụng từ 1/8 khiến nhiều người hoang mang. Bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế coi viện phí mới là một gánh nặng.

Tuy nhiên, giá viện phí vừa được điều chỉnh tư chỉ mới tính 3/7 cấu phần của giá viện phí, sắp tới, giá này sẽ được thu đúng, thu đủ. Điều này có nghĩa, giá viện phí sẽ tiếp tục tăng-  PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh vừa cho biết ngày 13/12.

Bộ Y tế và Lãnh đạo một số bệnh viện lý giải, tăng viện phí là tính đúng, thu đủ. Viện phí mới thay thế cho khung giá cũ quá lỗi thời, chứ không tạo thêm khoản dư cho bệnh viện. Do đó, chỉ dựa vào giá viện phí mới mà nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như người dân yêu cầu là điều không thể.

Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012 - 1

Viện phí tăng nhưng bệnh nhân phải nằm ngoài hanh lang

Nếu theo lý thuyết, viện phí tăng đồng nghĩa với tăng chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn chừng mực khi nói về cam kết này. Tại một số bệnh viện, 2-3 người vẫn chen nhau một giường, thậm chí phải chui xuống gầm hoặc nằm ở hành lang để ngủ.

“Xới” các phòng khám Trung Quốc

Có thể nói chưa bao giờ những lùm xùm xung quanh việc khám chữa bệnh ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài được “xới” lên nhiều như năm 2012.

Một số bác sĩ không rõ xuất xứ đến Việt Nam chữa bệnh, gây nhiều “tai họa” cũng khiến dư luận bức xúc.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thu Phong thường trú tại Hà Đông (Hà Nội), tử vong tại Phòng khám Maria là do bác sĩ truyền dịch. Theo Sở Y tế Hà Nội, người điều trị trực tiếp cho chị Phong là 3 bác sĩ “chui” người Trung Quốc.

Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012 - 2

Phòng khám đa khoa Maria, nơi bệnh nhân Nguyễn Thu Phong tử vong

Trước khi xảy ra vụ tử vong tại phòng khám Maria, Sở Y tế Hà Nội đã 4 lần xử phạt phòng khám về những sai phạm như chưa có giấy phép hành nghề hay quảng cáo sai sự thật. Như vậy, rõ ràng phòng khám này vi phạm trong suốt thời gian dài nhưng vẫn tồn tại.

Vụ việc xảy ra ở phòng khám đa khoa Maria như giọt nước tràn ly, thổi bùng những bức xúc trong dư luận về kiểu làm ăn “không giống ai” của các phòng khám Trung Quốc tại Việt Nam, trong đó phòng khám Maria có thể coi là một “điển hình”. Và Sở Y tế chỉ vào cuộc sau khi những phòng khám có bác sĩ “chui” bị giới truyền thông phanh phui.

“Nhức nhối” tai biến sản khoa

Chưa bao giờ những vụ việc liên quan đến tai biến sản khoa khiến dư luận lên tiếng nhiều như năm nay.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 88 ca tử vong mẹ hoặc tử vong con trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, con số này chỉ là “phần nổi” của tảng băng chìm. Theo Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), có tới 60% trường hợp tai biến sản khoa không được các địa phương báo cáo.

Riêng ở Quảng Ngãi từ tháng 4/2012 đến nay đã liên tục xảy ra 19 trường hợp tai biến sản khoa.Trong đó có 6 ca tai biến làm chết 4 trẻ sơ sinh và 3 trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con.

Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012 - 3

Mẹ của sản phụ Lê Thị Hương (Quảng Ngãi) chết ngất tại bệnh viện khi nhận hung tin con gái mình tử vong

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Khê, các vụ tai biến sản khoa xảy ra còn do các y, bác sĩ khoa sản không thực hiện tốt quy chế chuyên môn, theo dõi diễn biến bệnh không thường xuyên, thiếu chặt chẽ; nhận định, tiên lượng, đánh giá tình trạng bệnh chưa chính xác; xử lý chưa kịp thời, thiếu tích cực.

Không tìm ra nguyên nhân bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi

Căn “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi chưa từng xuất hiện trên thế giới. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi vào ngày 19/4/2011 sau đó lây lan sang các xã Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Xa, Ba Vinh (H.Ba Tơ) và Thanh An (H.Minh Long).

Bệnh “lạ” lan rộng và gây ra hàng chục cái chết cho người dân ở khu vực này, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Ba Điền. Tính đến thời điểm này, Quảng Ngãi có 23 người tử vong vì bệnh “lạ”.

Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012 - 4

Đến nay, ngành y tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi

Những người mắc bệnh “lạ” bị tổn thương cơ thể rất nghiêm trọng như suy gan, tổn thương cơ tim, tổn thương da… Ngoài ra, lòng bàn tay, bàn chân nổi lên lớp dày giống vết bỏng, các vết loét  lây lan sang miệng, lưng, bụng và có nguy cơ tử vong cao.

Từ khi bệnh “lạ” xuất hiện, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới vào cuộc nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân căn bệnh này.

“Nóng” các dịch bệnh mới nổi

Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 2 loại bệnh nguy hiểm chưa từng xuất hiện hoặc rất hiếm gặp trên thế giới nhưng đã được ghi nhận tại nước ta. Tính rộng hơn trong 10 năm qua, số loại bệnh mới nổi ở Việt Nam được ghi nhận nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Tháng 9/2012, có 2 trường hợp tử vong do nhiễm “amip ăn não người”. Bệnh nhân đầu tiên là thanh niên 25 tuổi ở Phú Yên, trú tại TP HCM, tử vong chỉ sau một ngày nhập viện.

Không chỉ amip ăn não, tháng 11/2012, Bộ Y tế lại xác nhận một trường hợp tại TP Hồ Chí Minh bị nhiễm virus Hanta gây suy thận. Bệnh nhân N.V.T. (nam, 55 tuổi ở TPHCM) nhập viện do bị chuột cắn và bị suy thận. Theo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân N.V.T. dương tính với loại virus có tên Hantavirus có ở chuột.

Những “nhức nhối” của ngành y tế năm 2012 - 5

Hanta virus trên chuột có thể gây suy thận

Trong năm, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh tái nổi như tả, sốt xuất huyết, bệnh dại, rubella, tay chân miệng.

Theo PGS Phan Trọng Lân, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), những bệnh mới nổi, không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân, khả năng gây đại dịch lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN