Những người này không nên ra ngoài trời lúc nắng nóng đỉnh điểm

Sự kiện: Sống khỏe

Để tránh phải nhập viện vì nắng nóng, chuyên gia y tế khuyến cáo các đối tượng sau không nên ra ngoài lúc trời nắng nóng đỉnh điểm.

Mấy ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Nam đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Tại các bệnh viện, số người đến khám vì nắng nóng tăng đáng kể. Do đó, để tránh phải nhập viện vì nắng nóng, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo các đối tượng sau không nên ra ngoài lúc trời nắng nóng đỉnh điểm.

Những người này không nên ra ngoài trời lúc nắng nóng đỉnh điểm - 1

Bệnh nhân nhập viện vì nắng nóng. 

Trong môi trường nóng thì cơ thể tăng tiết mồ hôi, thở nhanh để giảm thân nhiệt. Nếu quá trình chịu nóng kéo dài dẫn đến mất nhiều nước, và khi đáp ứng giảm thân nhiệt không đủ hiệu quả khiến thân nhiệt gia tăng quá cao có thể dẫn đến co giật, hôn mê, tổn thương  các cơ quan. Nếu thiếu nước nặng gây rối loạn cân bằng nội môi, thậm chí tụt huyết áp, sốc.

Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai

Khả năng bù trừ của người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính kém hơn người khỏe mạnh nên sự chịu đựng với nắng nóng đương nhiên kém hơn nên dễ bị ảnh hưởng hơn.

Người huyết áp thấp

Ngoài ra, người huyết áp thấp ra ngoài trời nắng thì đương nhiên dễ bị hạ huyết áp hơn.

Người huyết áp cao

Người huyết áp cao nhiều năm, cơ thể quen chịu ngưỡng huyết áp ở mức cao nên khi tụt huyết áp xuống dù ở mức bình thường cũng giống người bình thường bị tụt huyết áp xuống thấp.

Chính vì thế, người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo hết sức thận trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng . Nếu ra ngoài trờ nắng nóng có thể gây giãn mạch, ra nhiều mồ hôi gây mất nước và điện giải. Sự chênh lệch đột ngột giữa nhiệt độ trong nhà  (vốn hay mở máy điều hòa) và ngoài trời (đang nắng nóng) khiến sự co, giãn của mạch máu cũng bị thay đổi đột ngột, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của huyết áp.

Các tác động này đều dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp quá mức, nhất là các bệnh nhân có nguy cơ hạ huyết áp tư thế, đặc biệt người cao tuổi.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, người bị tăng huyết áp vẫn cần vận động nhẹ nhàng, quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống. Không nên uống nhiều thức uống có đường, nước ngọt có gas.....

Người mắc bệnh tim mạch

Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Do đó người mắc bệnh tim mạch không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng gắt, thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt.

Người bệnh đái tháo đường

Vào mùa hè, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như đột quỵ, hạ đường huyết…

Theo đó, bệnh nhân cần lưu ý và người thân cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn đối với những bệnh nhân này.

Mọi người khi có dấu hiệu ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, có thể là biểu hiện cảnh báo đột quỵ nhiệt, cần nhanh chóng xử lý bằng cách cho uống nước mát. Nếu không thấy đỡ thì ngay lập tức phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Ngoài ra, trời nắng to nếu để da trần có thể bỏng da, tia tử ngoại có khả năng xuyên sâu qua da gây nhiều tác hại như hình thành các gốc tự do gây tổn thương hoặc thậm chia gây ung thư da.

Chỉ cần làm 9 điều đơn giản này, dù nắng nóng 50 độ cũng không thấy mệt mỏi

Mệt mỏi, khó chịu do nắng nóng là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, chỉ cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN