Những người này có nguy cơ bị đột quỵ khi trời trở lạnh
Chuyên gia y tế cảnh báo thời tiết chuyển mưa lạnh đột ngột tạo nguy cơ cao cho bệnh đột quỵ khởi phát.
Theo Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam, hằng năm có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này ở nước ta. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca, với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Đây là con số đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.
(Ảnh minh họa).
PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, trong đông y, đột quỵ não được gọi là trúng phong, cùng biểu hiện bệnh đột ngột, bệnh nhân hôn mê hoặc bị yếu, liệt mặt, tay hoặc liệt nửa người. Căn nguyên gây bệnh có thể do tắc não ở động mạch; tắc nghẽn mạch não ở các tiểu động mạch não; hoặc xuất huyết não do vỡ mạch não dị dạng, do tăng huyết áp; tụt huyết áp, tụt đường huyết...
Đột quỵ não thường xảy ra ở người có bệnh tim mạch bẩm sinh, tăng huyết áp, bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipit máu; căng thẳng lớn kéo dài, các bệnh lý nội tiết như cường giáp, u tủy thượng thận, lạm dụng cortisone kéo dài…
Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Tuyền – Trưởng đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong. Nhồi máu não phân biệt với xuất huyết não – dạng tai biến mạch máu não khi mạch máu não vỡ ra, máu đột nhiên tràn vào mô não, gây tổn thương, phù não, tụ máu làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh và giết chết tế bào não.
Trước thực trạng tai biến mạch máu não có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi, các bác sĩ khuyến cáo người trẻ không nên chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.
Người trẻ nên tạo nếp sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn…
Tránh stress trong cuộc sống, công việc, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý…
Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.
Để phòng đột quỵ vào mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, cần tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh…
Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%.
Nguồn: [Link nguồn]