Vết hằn trên má "nhờ" bộ đồ bảo hộ là của một sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu tại Bắc Giang. Em tâm sự, dưới cái nắng của mùa hè nóng nực, mồ hôi túa ra chảy xuống cay mắt, hết vằn cũng phải 3-4 tiếng sau mới hết. Em không dám đưa tay lên lau mồ hôi chảy thành dòng trên mắt kính, không cả dám thở mạnh vì mờ mắt.
Bàn chân bị trợt loét như nước "ăn” do ngâm mồ hôi trong nhiều giờ liền của điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài, TTYT huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Chị Hoài cho biết, cả ngày ngâm mình trong bộ đồ bảo hộ đến khi về tháo bỏ ra thì chân trợt loét rất rát, lúc đó vừa bận lại cũng chẳng có thời gian để kiếm được 1 cái băng mà dán vào nên đã phải dùng băng vệ sinh quấn tạm cho khỏi rát rồi lại đi làm tiếp. Điều dưỡng Hoài tâm sự, nhiều chị em ở chân còn đỡ có những người ở lưng, ở ngực thậm chí cả chỗ nhạy cảm nhưng rồi cũng chỉ nghỉ ngơi một chút và nén cơn đau lại “lao vào cuộc chiến”.
Còn đây là tấm lưng do bỏng cồn của cậu sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Những đôi bàn tay nhăn nheo, trắng bệch do phải ngâm nước quá lâu này là của đoàn y bác sĩ của Học viện Y Dược Học cổ truyền Việt Nam. Có người bị hăm bẹn, người không quen đeo khẩu trang ngay hôm sau mặt đã nổi mụn chi chít….
"Bàn tay ướt sũng đến nỗi điện thoại không nhận vân tay...", chia sẻ của BS. Huỳnh Thị Hồng Nhung, Bộ môn Ngoại của Học viện YDHCT Việt Nam.
"Những chỗ đeo khẩu trang, chỗ đội mũ sưng rộp lên cả. Chân, tay, lưng nổi mẩn đỏ ngứa râm ran. Bộ bảo hộ nó nóng nó bí quá, ướt sũng bên trong hăm cả bẹn..."
"Cảm giác “bao phê” nhất ấy là khi xịt sát khuẩn vào tay, đau nhói..."
Không biết bao nhiêu lần đã nghe: “Cô ơi em không trụ được nữa, em vào nghỉ 15 phút sau em tiếp sức cho các bạn”; “cô ơi mình cố nốt xóm này quyết tâm chiều không phải quay trở lại nữa ạ”; “thôi mệt rồi vào nghỉ để tớ thay cậu”. Đúng, “mệt chỉ là cảm giác”!