Những lý do bác sĩ khuyên bạn đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để khỏi 'mang hoạ'

Sự kiện: Sống khỏe

Trong mỗi sản phẩm thuốc đều có tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo. Nhưng phần lớn người sử dụng thuốc chưa có thói quen đọc kỹ tờ giấy quan trọng này.

Thậm chí một số người còn vứt tờ giấy hướng dẫn sử dụng thuốc đi ngay khi bóc hộp thuốc.

Việc không đọc hướng dẫn sử dụng, dẫn đến nhiều trường hợp dùng thuốc quá liều, ngộ độc thuốc, xảy ra tương tác thuốc hoặc gặp tác dụng phụ của thuốc mà không biết.

Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả là một trong những nội dung của công tác Dược lâm sàng, thuộc về kiến thức cơ bản mà bất cứ bác sĩ/ dược sĩ/ cán bộ y tế nào cũng luôn muốn khuyên bạn.

Khi đọc hướng dẫn sử dụng thuốc bạn sẽ có những thông tin nào?

1. Liều lượng và cách dùng thuốc đúng

Liều dùng, số lần dùng trong ngày và thời gian trị liệu (chỉ được dùng tối đa là trong bao nhiêu ngày)… đó là những thông tin cơ bản nhất bạn cần nắm được khi uống bất cứ loại thuốc nào. “Tinh vi” hơn nữa, là những thông tin như nên uống thuốc vào thời điểm nào trong ngày để thuốc đạt hiệu quả cao nhất và tránh bị đồ ăn, thức uống làm hỏng thuốc. Tất cả những điều đó đều có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Chả hạn như, các thuốc dùng để chữa bệnh thông thường như cảm cúm, sốt, sổ mũi, ngạt mũi, ho...là thuốc không kê đơn, nghĩa là người bệnh có thể mua trực tiếp tại các nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, vẫn cần đọc hướng dẫn sử dụng để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Hoặc các kiến thức như vitamin uống sau ăn hấp thu tốt hơn; Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid chủ yếu dùng để giảm sốt, giảm đau đầu, dùng trong bệnh viêm khớp, đau răng… (ibuprofen, diclofenac…) nên uống sau ăn để giảm kích ứng dạ dày.

Nhiều người được khuyên dùng men vi sinh khi uống kháng sinh để bảo vệ đường ruột. Thế nhưng không phải ai cũng biết đang dùng thuốc kháng sinh thì không nên dùng đồng thời men vi sinh. Bởi vì men vi sinh cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột sẽ bị kháng sinh tiêu diệt luôn.

Nếu bạn chịu khó đọc kỹ thì còn biết thêm các thông tin tưởng như “bên lề” nhưng thực ra lại khá cần thiết, nhất là với những người ăn kiêng hoặc bị dị ứng. Chả hạn như, hàm lượng muối trong thuốc; tên mỗi tá dược (chất tạo màu, chất kết dính...)...

(hình mang tính chất minh họa)

(hình mang tính chất minh họa)

2. Tác dụng phụ của thuốc

Trong mỗi tờ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc đều đưa thông tin về những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra khi dùng ở liều bình thường và khi quá liều. Điều này khiến bạn không mất công phán đoán nếu uống thuốc mà gặp những phản ứng như: buồn nôn, nôn, chóng mặt, mẩn ngứa ngoài da... Hoặc chuẩn bị… tinh thần mà đối diện với những tác dụng không mong muốn của thuốc như gây loét, chảy máu dạ dày, tá tràng; hoặc các phản ứng dị ứng nặng đến mức tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời. Từ đó mà có thể ung dung trong xử lý và phòng tránh những tác hại này.

3. Đối tượng chống chỉ định hoặc phải thận trọng dùng thuốc

Bạn nên đọc kỹ phần “thận trọng và chống chỉ định” có trong mỗi tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Tại đó cung cấp cho bạn các thông tin quan trọng về tương tác thuốc và cách phòng tránh như: Khi nào cần thăm khám bác sĩ hoặc xin dược sĩ tư vấn trước khi sử dụng thuốc; các trường hợp không nên sử dụng thuốc; khi nào cần ngưng sử dụng thuốc. Hầu hết các thuốc đều có chống chỉ định nhất định, là những ai không được dùng loại thuốc này; Những ai nếu dùng phải rất thận trọng và có sự theo dõi sát sao về tình trạng sức khoẻ trong quá trình dùng thuốc.

Mỗi loại thuốc sẽ có những chống chỉ định riêng, những thận trọng riêng. Chả hạn, người bị thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan cần thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol. Thuốc nhỏ mũi Oxymetazoline , trẻ em dưới 6 tuổi, người bệnh bị glocom không được dùng và những người bị bệnh mạch vành, đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp… dùng phải hết sức thận trọng vì bệnh có thể nặng lên do thuốc gây tác dụng trên tim mạch. Thuốc mebendazol (thuốc trị giun) không dùng cho người mang thai 3 tháng đầu, người bị bệnh gan và những người quá mẫn với mebendazol.

Một lưu ý nữa là người Việt Nam chúng ta có thói quen uống thuốc theo đơn bác sĩ kê cho bệnh nhân khác, khi thấy có những triệu chứng bệnh tương tự. Điều này khá nguy hiểm vì không phải mọi bệnh cảnh đều giống nhau mặc dù người không có chuyên môn thì có thể nghĩ chúng “na ná” nhau. Chẳng hạn như, cũng là thuốc điều trị bệnh gout, bệnh nhân A thì dùng được nhưng bệnh nhân B lại không dùng được vì có kèm thêm bệnh viêm loét dạ dày, bệnh tim, gan, thận...

hình mang tính minh họa

hình mang tính minh họa

Đối với những người có bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt, đái tháo đường, hen suyễn... cần hết sức thận trọng khi dùng các thuốc không kê đơn vì có thể gây ra tác hại nguy hiểm; hoặc làm trầm trọng thêm bệnh sẵn có hoặc gây ra những phản ứng cơ thể nghiêm trọng. Báo Tiền Phong đã đưa bài: Bị ho kéo dài, người bệnh ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngay cả các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường hay thậm chí là thảo dược cũng có thể ảnh hưởng xấu đến gan nếu sử dụng sai cách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hồng Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN