Những lưu ý khi tự test nhanh COVID-19 tại nhà
Sử dụng đúng các bộ kit đã được cấp phép, tuân thủ các hướng dẫn từ nhân viên y tế, thực hiện lấy mẫu đúng quy định, xử lý rác thải sau test… là những điều người dân cần lưu ý khi tự test nhanh COVID-19 tại nhà.
Từ chiều ngày 22/8, TP.HCM đã triển khai thí điểm hướng dẫn cho người dân tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-COV-2, hay còn gọi là test nhanh, test nhanh COVID-19.
Cụ thể, các nhân viên y tế đã hướng dẫn người dân thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu để thực hiện test nhanh, đây là một kỹ thuật lấy mẫu phổ biến đang được sử dụng cho nhiều bộ kit test nhanh trên thị trường hiện nay.
Hướng dẫn lấy mẫu dịch tỵ hầu
Với kỹ thuật này các nhân viên y tế khuyến cáo, bước lấy mẫu là bước quan trọng nhất để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm, người dân cần lấy mẫu đúng khu vực tỵ hầu, đồng thời cần đảm bảo thấm đủ dung dịch nếu không sẽ không đảm bảo thấm được dịch.
Theo đó khi tiến hành lấy mẫu dịch tỵ hầu, người lấy mẫu cần đưa khoảng 3/4 chiều dài que lấy mẫu vào sâu bên trong mũi. Khi thực hiện đưa que lấy mẫu vào có cảm giác "sụp hầm" hay "sụp ổ gà" là thành công.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân
Sau khi nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ và thực hành lấy mẫu với sự hướng dẫn của nhân viên y tế, một người dân ngụ tại Phường 13, Quận 3 chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình tự lấy mẫu xét nghiệm cho mình đó. Lúc đầu cũng tưởng khó nhưng khi được nhân viên y tế hướng dẫn thì thấy thực hiện đơn giản vô cùng. Mình chỉ cần làm theo kỹ thuật được hướng dẫn và tuân thủ các bước thì yên tâm có kết quả chính xác. Giờ mình đã tự tin lấy mẫu test nhanh cho mình và cho các thành viên trong gia đình luôn".
Theo kế hoạch, thành phố sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) của thành phố trong 14 ngày tới.
Riêng các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm: 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức phân công các đội xét nghiệm, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố, tổ nhân dân, cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc ban quản lý khu phố, ấp...
Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình.
Sau 30 - 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý như trường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành y tế về xử lý ca khẳng định.
TS Lê Quốc Hùng chia sẻ về test nhanh phát hiện dương tính
Đối với những trường hợp người dân tự thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 tại nhà, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi bộ kit xét nghiệm nhanh sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất. Người thực hiện cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu.
Đồng thời kết quả test nhanh có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính gi, do đó nếu xét nghiệm có kết quả âm tính, người dân cũng không được chủ quan; nếu xét nghiệm dương tính, người dân phải bình tĩnh báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu, xét nghiệm và đọc kết quả, cần cho tất cả vật dụng đã sử dụng vào trong túi và dán kín lại. Tránh vứt những dụng cụ xét nghiệm này trực tiếp vào thùng rác sinh hoạt của gia đình; Chú ý vệ sinh, khử khuẩn tay các bề mặt liên quan theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đến các điểm xét nghiệm COVID-19 và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm...
Nguồn: [Link nguồn]