Những loại thuốc 'cứu mạng', nhà nào cũng nên trữ cho kỳ nghỉ Tết
Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều đồ ăn, thức uống… nhưng cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng khi có vấn đề về sức khỏe xảy ra trong kỳ nghỉ Tết.
Danh mục các thuốc cần chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết bao gồm: Thuốc hạ sốt và giảm đau, thuốc tiêu hóa, thuốc bôi ngoài da, thuốc chống và trị côn trùng đốt/ cắn, thuốc điều trị bệnh lý mãn tính theo đơn…, theo tư vấn của PGS.TS. Hoàng Đình Âu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Trữ thuốc cho kỳ nghỉ Tết (hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
Cảm sốt: Biểu hiện chung ở người lớn và trẻ nhỏ là sốt và đau đầu. Thuốc để giảm triệu chứng này thông dụng nhất là paracetamol. Người bệnh lưu ý dùng đúng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Đặc biệt, trong những ngày Tết, nhiều người sử dụng rượu bia, mà việc uống rượu có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Vì vậy, khi phải dùng thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì không được uống rượu.
Ngoài ra, cũng có thể dùng các thuốc phối hợp như decolgen, tiffy, panadol… Đây là những thuốc thường phối hợp paracetamol với một chất kháng histamin (chống dị ứng) như clopheniramin hoặc chất co mạch… Lưu ý, các thuốc này không sử dụng ở người bệnh tăng huyết áp (nếu như chứa chất co mạch). Khi uống thuốc cần nằm nghỉ tại nhà vì thuốc có thể gây buồn ngủ (đối với các thuốc có chứa kháng histamin).
Ho và sổ mũi: Ngày Tết đi chơi nhiều, người già và trẻ nhỏ dễ bị ho do nhiễm lạnh. Có thể dùng kháng histamin trị dị ứng đồng thời làm dịu và giảm ho như phenergan, théralène hoặc thuốc trị ho atussin, toplexil, pulmofar... Tốt nhất mỗi gia đình nên chuẩn bị một lọ mật ong ngâm chanh đào có tác dụng trị ho rất tốt, nên dùng trước khi dùng thuốc Tây y. Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch, chống ngạt mũi. Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 4 ngày.
Dị ứng, nổi mẩn ngứa: Có thể do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng do thời tiết, côn trùng cắn đốt. Nếu ở mức độ nhẹ, chỉ nên dùng các kem bôi ngoài da, chống ngứa chứa tinh dầu như menthol... Trẻ có thể dùng si rô phenergan, si rô théralène, người lớn dùng thuốc chống dị ứng như fexofenadine, cetirizine...
Với chứng khó tiêu đầy bụng: Nếu kèm theo đau dạ dày nên dùng một trong các thuốc kháng acid sau: Maalox plus, simelox, phosphalugel, gasvicon, pepsan. Hoặc chỉ khó tiêu đầy bụng thì nên dùng men tiêu hóa như neopeptine. Dùng gừng giã nhỏ lấy nước hoà với nước ấm uống, cũng có thể làm giảm chứng khó tiêu.
Tiêu chảy: Thường gặp là chứng tiêu chảy cấp. Người lớn là do ngộ độc thức ăn, còn trẻ nhỏ thường do nhiễm siêu vi rotavirus. Khi gặp tình trạng này thì nên dùng gói oresol để bù nước và chất điện giải. Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy, vì người bệnh cần thải hết các độc tố ra khỏi đường ruột.
Ngược lại với tiêu chảy là táo bón: Tình trạng táo bón cũng dễ gặp do khẩu phần ăn ngày Tết thiếu chất xơ. Có thể cải thiện bằng cách ăn nhiều chất xơ, ăn các thực phẩm giúp dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không giảm có thể dùng các thuốc trị táo bón tạo khối như igol, metamucil; hoặc dùng thuốc trị táo bón thẩm thấu sorbitol, forlax, lactulose.
Nôn ói: Thường do say tàu xe, có thể dùng một thuốc chống nôn sau: promethazine (phenergan), diphenhydramine (nautamine), cinnarizine (stugeron)... hoặc dùng dạng thuốc dán vào da sau tai là scopolamine (trẻ dưới 8 tuổi không được dùng).
Các thuốc trên đều là thuốc thông dụng, dùng không cần kê đơn. Tuy nhiên khi dùng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc, không dùng quá liều. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ từ trong khoảng 5 ngày, nếu triệu chứng không đỡ phải đi khám bệnh.
Nhiều người có thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ, nghỉ không hợp lý nên rất dễ nhiễm bệnh nhưng rất khó mua thuốc vì một số nhà thuốc thường nghỉ mấy ngày Tết.
Nguồn: [Link nguồn]
-23/01/2025 07:24 AM (GMT+7)