Những ghi nhớ đặc biệt khi dùng thuốc giảm đau đầu

Sự kiện: Sống khỏe

Đau đầu và đau nửa đầu là một triệu chứng rất thường gặp. Đối với những cơn đau đầu xảy ra mức độ nhẹ và vừa có thể dùng một số thuốc để giảm đau. Tuy nhiên, khi dùng các thuốc này cần lưu ý để dùng sao cho an toàn, vì không phải thuốc giảm đau nào cũng thích hợp với tất cả mọi người.

Thuốc giảm đau đơn thành phần

Các thuốc thường dùng như paracetamol, aspirin, hay ibuprofen… được dùng trong trường hợp đau đầu/đau nửa đầu nhẹ đến vừa.

Đối với paracetamol (acetaminophen): Đây là thuốc được dùng phổ biến và tương đối an toàn (đối với người bình thường, khỏe mạnh không có các điều kiện y tế mắc kèm). Khi dùng thuốc không được dùng đồ uống có cồn. Những người đang có vấn đề tại gan không nên tự ý dùng thuốc. Người bệnh cũng nên lưu ý, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mang tên khác nhau có chứa paracetamol, cần đọc kỹ thành phần của thuốc để không sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất gây quá liều, ngộ độc.

Với aspirin, ibuprofen: Hai thuốc này được bán rất sẵn trong các nhà thuốc và cũng là lựa chọn để giảm đau đầu từ nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, y, không dùng cho những người loét dạ dày tá tràng đang trong giai đoạn tiến triển, tiền sử hen do sử dụng salicylat, phụ nữ ở 3 tháng cuối của thai kỳ và đang cho con bú, các bệnh liên quan đến rối loạn yếu tố đông máu… Đối với aspirin không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi (vì chúng có nguy cơ cao bị một chứng bệnh nặng gọi là hội chứng Reye có thể ảnh hưởng lên não và gan nguy hiểm).

Nên uống thuốc cùng với thức ăn (trong hoặc ngay sau bữa ăn) để giảm nguy cơ rối loạn hoặc gây hại dạ dày. Không uống rượu trong quá trình dùng thuốc. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, liều dùng để đảm bảo không dùng quá nhiều thuốc trong một lần và trong 24 giờ.

Những ghi nhớ đặc biệt khi dùng thuốc giảm đau đầu - 1

Khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh:  TM

Thuốc giảm đau phối hợp

Trong trường hợp đau vừa, có thể dùng đến thuốc giảm đau phối hợp. Trên thị trường các sản phẩm này thường phối paracetamol với caffeine, codeine, tramadol, các NSAID… để làm tăng tác dụng giảm đau của thuốc, hiệu quả giảm đau kéo dài hơn.

Sản phẩm không kê đơn (OTC) đầu tiên được FDA chấp thuận để điều trị chứng đau nửa đầu là sự kết hợp của paracetamol, aspirin và caffeine (AAC). Ví dụ như excedrin migraine (acetaminophen 250 mg, aspirin 250mg và caffeine 65mg). Sự kết hợp của những chất này đã được chứng minh là có hiệu quả giảm đau nhanh hơn bất kỳ một trong những thành phần đơn độc với liều lượng tương đương. Tuy nhiên, khi người bệnh sử dụng sản phẩm kết hợp này thì không nên hoặc hạn chế dùng các đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê…

Đối với thuốc giảm đau phối hợp paracetamol với codeine, ngoài những lưu ý của paracetamol, người dùng cần thận trọng với những bất lợi và chống chỉ định của codeine. Đó là không dùng trong trường hợp quá mẫn với thuốc, ho có đờm, nghiện ma túy, tình trạng phụ thuộc opioid, suy hô hấp, hen, suy tim nặng, thời kỳ mang thai và cho con bú. Ở liều điều trị, thuốc có thể gây táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Đặc biệt đã ghi nhận được báo cáo về trường hợp co thắt phế quản, dị ứng hoặc suy hô hấp. Ngoài ra, thuốc còn có nguy cơ gây nghiện, hội chứng cai thuốc cho người dùng, kể cả trên trẻ sơ sinh khi sử dụng codein cho người mẹ trong giai đoạn mang thai.

Đối với thuốc giảm đau kết hợp paracetamol với tramadol, ngoài những chú ý như khi dùng paracetamol đơn chất, còn không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với tramadol, các opioid, ngộ độc cấp tính hoặc dùng quá liều các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (rượu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau khác), suy hô hấp nặng, suy tế bào gan nặng, trẻ em dưới 15 tuổi (đối với dạng viên nang và tiêm), phụ nữ cho con bú trong trường hợp điều trị kéo dài, động kinh mất kiểm soát…

Nếu dùng các thuốc trên mà đau đầu không giảm, hoặc đối với những cơn đau đầu nặng người bệnh cần đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị thích hợp.

Thường xuyên đau đầu, chảy nước mũi vào buổi sáng - dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm

Theo bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Nấm xoang hàm là bệnh lý khá phổ biến ở vùng miền núi, tuy nhiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DS. Nguyễn Thu Giang ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN