Những điều phụ huynh cần biết để chữa tiêu chảy cho trẻ

Giao mùa đông - xuân, bên cạnh các vấn đề liên quan đến đường hô hấp, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, điển hình là tiêu chảy cấp.

Những điều phụ huynh cần biết để chữa tiêu chảy cho trẻ - 1

Để trẻ khỏe mạnh, không mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, các bác sỹ khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

80% tế bào miễn dịch nằm ở đường tiêu hóa

Chia sẻ trên một chương trình tư vấn trực tuyến về sức khỏe, TS. BS. Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp ở trẻ em là tiêu chảy cấp do virus, vi khuẩn, trong đó mùa đông - xuân thường gặp do rotavirus. Nguyên nhân do sự mất nước điện giải, trẻ nôn trớ khi ăn, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể và hấp thu chất dinh dưỡng cũng yếu đi.

Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém. Bên cạnh đó, đường tiêu hóa của bé chưa ổn định cộng với chế độ ăn có nhiều thay đổi (từ sữa, ăn bổ sung...) khiến trẻ không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh.

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, tiêu chảy được phân chia theo nhiều loại như tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài (tùy thuộc vào thời gian bệnh nhân mắc bệnh dài hay ngắn); tiêu chảy phân nước và tiêu chảy phân máu (theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lý)...

Còn theo ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với hệ miễn dịch của trẻ em, thực ra 80% tế bào miễn dịch nằm ở đường tiêu hoá. Đứa trẻ có đường tiêu hoá khoẻ mạnh thì miễn dịch tốt.

“Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng là do tiêu chảy. Do vậy, câu nói cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh “cháu bị bệnh đường ruột từ bé đến giờ” đồng nghĩa với việc cứ cháu nào bị bệnh đường ruột là suy dinh dưỡng. Chúng ta ai cũng phải ăn uống và tiêu hoá. Nếu bé ăn tốt thì sẽ khoẻ mạnh”, bác sỹ Lê Thị Hải nói.

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm và đủ chất dinh dưỡng cho trẻ

Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus.

Với những trẻ sơ sinh, ThS.BS. Lê Thị Hải tư vấn, bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ giúp trẻ không bị tiêu chảy. Sữa mẹ ngoài kháng khuẩn bao giờ cũng sạch sẽ nhất. Nhiệt độ không khí thấp không làm ảnh hưởng đến độ ấm của sữa mẹ. Do vậy, vẫn đảm bảo ấm áp khi cho trẻ bú, không lo trẻ bị lạnh bụng.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Hải, trong giai đoạn ăn dặm, nguy cơ nhiễm khuẩn do tiếp xúc với thực phẩm bên ngoài sẽ rất lớn. Do vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Đối với cháu bé hay mút tay, cần phải rửa tay sạch sẽ cho cháu. Lựa chọn thực phẩm tươi để chế biến cho bé ăn.

Bác sỹ Hải lưu ý, trong quá trình nấu ăn, bà mẹ phải rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến. Dụng cụ chế biến cũng phải đảm bảo vê sinh. Không cho trẻ ăn thực phẩm để nguội quá 2 giờ. Ngoài ra, tủ lạnh chứa đồ ăn luôn phải vệ sinh sạch sẽ bởi lẽ đây có thể là ổ chứa vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh đó, mùa lạnh cần nhiều năng lượng để hoạt động và chống rét. Phụ huynh cần tăng sức để kháng cho trẻ bằng cách: ăn đủ bữa để đảm bảo đủ năng lượng cung cấp cho cơ thể; đảm bảo đủ chất đạm và protein trong mỗi bữa ăn đồng thời tăng cường vitamin và khoáng chất A, C, D, kẽm, sắt, Canxin.

Sai lầm khi điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol. Cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú), chú ý dùng thức ăn dễ tiêu như cháo thịt nạc… Nếu trẻ dùng sữa hộp thì nên pha loãng gấp đôi mức bình thường.

Một số bà mẹ mắc sai lầm khi trẻ tiêu chảy lại không cho trẻ uống nước vì sợ làm tiêu chảy gia tăng. Điều này dẫn đến hậu quả trẻ càng mất nước trầm trọng hơn. Ngày nay, các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong khi trẻ tiêu chảy, cơ thể vẫn hấp thu được nước theo đường uống và hấp thu được tới 60% các thức ăn đưa vào theo đường tiêu hóa.

Ngoài ra, một số phụ huynh còn tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy cho con. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì phần lớn nguyên nhân tiêu chảy do virus gây ra. Do vậy, dùng kháng sinh hoàn toàn vô ích và còn làm trẻ mệt thêm. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sỹ, chẳng hạn tiêu chảy đã xác định do nguyên nhân vi khuẩn hoặc tiêu chảy có biến chứng bội nhiễm, viêm phổi...

Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều, nôn ói nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sỹ khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Chi (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN