Những điều cần tránh khi ăn đậu đũa
Không chỉ làm món ăn giàu dinh dưỡng, đậu đũa còn là những vị thuốc tốt lành tính và dễ sử dụng. Tuy nhiên, những người mắc bệnh gút, hay đàn ông hiếm muộn thì phải hạn chế ăn.
Đậu đũa là một trong những loại thực vật thanh đạm, an toàn. Là họ nhà đậu nên đậu đũa rất giàu protein thực vật. Bên cạnh đó, đậu đũa cũng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như ka-li, can-xi, ma-giê, phốt-pho, sắt, natri, kẽm, đồng, mangan và selen.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cho rằng hạt đậu đũa cũng có tác dụng gây một số thoái hóa nơi tế bào sinh tinh trùng. Vì vậy, theo nghiên cứu này thì những người đàn ông hiếm muộn không nên ăn nhiều đậu đũa.
Ngoài ra, đậu đũa cũng như các loại đậu khác, lượng purin trong đậu khá cao nên không dùng nhiều với người bị bệnh gút (thống phong).
Ảnh minh họa.
Một số công dụng hữu hiệu của đậu đũa:
Giúp giảm béo
Trong thành phần dinh dưỡng của 100g đậu đũa thì thành phần chất béo là 0g, 0mg cholesterol, trong khi đó chất xơ chiếm gần 4g. Chính vì điều này nó trở thành món ăn lý tưởng cho những người muốn giảm béo hoặc người có các bệnh liên quan đến béo phì.
Giúp chống oxy hóa
Riboflavin (vitamin B2) có trong đậu đũa, là một chất dinh dưỡng có tác dụng chống oxy hóa giúp phòng ngừa và hỗ trợ bệnh ung thư, tim mạch. Ngoài ra, đậu đũa còn chứa calcium vẫn thường được biết đến như một thần dược trong việc củng cố xương và cũng có tác dụng phòng ung thư xương.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Đậu có chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Vì vậy chúng giúp hệ tiêu hóa luôn vận động mượt mà. Đặc điểm này giúp bạn có cảm giác no lâu kéo dài, đồng thời ngăn ngừa táo bón.
Giúp ổn định lượng đường máu
Vì có hàm lượng chất xơ, protein cao, nên tinh bột trong đậu được hấp thụ chậm hơn trong quãng thời gian dài. Quá trình này đem lại công dụng ổn định lượng đường máu, giúp bạn tránh xa bệnh tiểu đường.
Lưu ý, đậu đũa cần ngâm rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối và nên nhúng qua nước sôi rửa lại mới nên chế biến thành món ăn.