Những điều cần biết về hội chứng hậu COVID-19
Hầu hết người mắc COVID-19 sẽ hồi phục hoàn toàn sau một vài tuần. Tuy nhiên một số người, kể cả mắc bệnh nhẹ, các triệu chứng có thể dai dẳng một thời dài sau đó. Các triệu chứng dai dẳng này gọi là hội chứng hậu COVID, tình trạng hậu COVID, COVID kéo dài.
Bác sĩ Lê Đức Duẩn, Khoa Cấp Cứu- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ những điều cần biết về hội chứng hậu COVID-19.
Hội chứng hậu COVID là gì và phổ biến như thế nào?
Hội chứng hậu COVID-19 liên quan đến nhiều triệu chứng tiếp diễn từ giai đoạn cấp tính, hoặc xuất hiện trở lại hoặc mới xuất hiện ở những người đã mắc COVID-19 sau 4 tuần (1 tháng). Ở một vài người, hội chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài vài tháng, vài năm hoặc gây tàn phế.
(Ảnh minh họa).
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến 1 năm sau mắc COVID-19, cứ 1 người trong 5 người trong độ tuổi từ 18-64 có các triệu chứng do COVID-19 gây nên. Người trên 65 tuổi, cứ 4 người có 1 người có triệu chứng hậu COVID-19.
Các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 là gì?
Các triệu chứng hay gặp nhất bao gồm:
- Mệt mỏi kéo dài
- Sốt
- Các triệu chứng hô hấp như khó thở, thở gấp và ho.
Các triệu chứng khác như:
- Các triệu chứng về tâm thần kinh như khó tư duy, tập trung, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, mất vị giác hoặc khứu giác, trầm cảm, lo âu.
- Đau nhức cơ khớp.
- Triệu chứng tim mạch như: đau ngực, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực.
- Triệu chứng tiêu hóa: tiêu chảy, đau bụng.
- Bất thường đông máu: có thể hình thành cục máu đông từ chân di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi.
- Các triệu chứng khác như nổi ban đổ và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Tại sao COVID-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe trên?
Do virus SARS-CoV-2 gây phá hủy các cơ quan. Những người mắc COVID-19 nặng có thể bị tổn thương tim, thận, da và não bộ. Quá trình viêm và đáp ứng miễn dịch toàn thân (viêm đa hệ thống ở người lớn và trẻ em) cũng có thể đóng góp vào tổn thương cơ quan. Những ảnh hưởng này có thể phát triển các bệnh mới như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc thần kinh.
Ngoài ra, những người có các triệu chứng nặng phải nằm điều trị ở đơn nguyên hồi sức có hỗ trợ thông khí cơ học như máy thở. Những người này dễ phát triển các rối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm và lo âu.
Các yếu tố nguy cơ bị hội chứng hậu COVID-19 là gì?
Những người dễ mắc hội chứng này nếu:
- Những người mắc COVID-19 nặng, đặc biệt là nếu phải nhập viện hoặc cần chăm sóc ở đơn vị hồi sức tích cực.
- Những người có các bệnh lý nền trước khi mắc COVID-19.
- Có hội chứng viêm đa hệ thống khi mắc COVID-19 hoặc hình thành sau đó.
Hội chứng hậu COVID-19 cũng có xu hướng gặp nhiều ở người lớn hơn là ở trẻ em và tuổi vị thành niên. Tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 kể cả những người mắc bệnh COVID-19 nhẹ, thậm chí không có triệu chứng.
Một vài lời khuyên giúp phục hồi các triệu chứng hậu COVID-19
1. Cần thời gian để nghỉ ngơi: các bệnh nhân thường cố gắng trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường quá nhanh dẫn đến bùng phát các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đau nhức cơ kéo dài vài giờ đến vài ngày. Dẫn đến phải nghỉ ngơi, sau khi hồi phục bệnh nhân lại tiếp tục cố gắng hoạt động như trên. Mô hình chung tạo ra 1 vòng xoắn khó có thể phục hồi hoàn toàn. Do đó chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi, thực hiện các công việc đơn giản và dễ làm trước, sau đó tăng dần các hoạt động một cách từ từ.
2. Bù đủ nước và ăn uống lành mạnh: trong giai đoạn mắc COVID-19 nhiều người không cảm thấy đói, đặc biệt ở những người mất mùi, mất vị giác. Dẫn đến nhiều người quên đi tầm quan trọng của dinh dưỡng. Bủ đủ nước từ 2,7-3,7 lít nước trong ngày là rất quan trọng. Mặc dù không có chế độ ăn nào là tối ứu, nhưng các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn cân bằng, tránh các thực phẩm giàu chất béo là phù hợp cho bệnh nhân.
3. Tối ưu hóa giấc ngủ: Một số bệnh nhân hậu COVID-19 thường ngủ không ngon giấc. Do đó để có giấc ngủ tốt cần đảm bảo phòng ngủ thông khí tốt. Hạn chế sử dụng dụng cụ điện tử khi ngủ (điện thoại), tránh uống cà phê sau ăn, tránh hoạt động thể lực trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ.
4. Luyện tập khứu giác: Khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc COVID-19 bị mất mùi, mất vị giác. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 6-12 tháng. Bệnh nhân có thể “luyện mùi” để phục hồi nhanh lại khứu giác: chọn 3-4 mùi hương và hít thở sâu trong 5-10 phút một vài lần/ngày. Những loại mùi hương mạnh như đinh hương, cam quýt, cà phê và hoa oải hương thường được khuyên dùng.
Nguồn: [Link nguồn]
Mắc COVID-19 diễn tiến nặng nhưng cậu bé 13 tuổi đã vượt qua tình trạng nhiễm trùng huyết, sốc tim. Tuy nhiên, sau khi có kết quả âm tính bệnh nhi lại rơi vào hội chứng viêm...