Những điều bắt buộc phải biết về người cao tuổi

Bên cạnh những thay đổi về thể chất và sinh lý, tâm lý còn là vấn đề hết sức quan trọng đối với người cao tuổi (NCT). Bởi trong các giai đoạn của cuộc sống, NCT rơi vào giai đoạn không phải làm gì mà là giai đoạn thụ hưởng kết quả đạt được từ trước mang lại.

Hơn thế nữa, NCT bắt đầu cảm thấy mình không còn có ích như trước và trở nên lo lắng quá độ nên có những xáo trộn tâm lý như phát bệnh trầm cảm hoặc trở nên lo lắng hay đa nghi. 

Người cao tuổi luôn mong muốn được chăm sóc và quan tâm nhiều hơn

Từ chỗ mất đi những khả năng đã có như không thể lái xe, không tự nấu ăn, không tự chăm sóc vệ sinh cơ thể…, NCT phải lệ thuộc vào người khác nên lo lắng quá độ và lúc nào cũng đòi hỏi con cái quan tâm, chăm sóc. Vì thế rất dễ gắt gỏng khi con cái bê trễ trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình.

Những điều bắt buộc phải biết về người cao tuổi - 1

Người cao tuổi rất cần được gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc. Ảnh: TRẦN NGỌC 

Rất sợ cô đơn

NCT rất dễ cảm thấy bị bỏ rơi và quên lãng vì sự cách biệt giữa các sinh hoạt thời trẻ và tuổi già. Do đó, NCT dễ bị thất vọng và thích lệ thuộc vào con cái. Vì vậy, con cái cần cư xử một cách tế nhị nhằm tránh làm các cụ có cảm giác bị hắt hủi hay ngược đãi.

Hay lo xa

Đây là đặc tính tâm lý của NCT. Do sự chậm chạp về tư duy và cảm giác bị lệ thuộc, nhờ vả người khác mà các cụ luôn trăn trở, lo lắng đến những chuyện đôi khi chẳng cần thiết. Vì sự lo lắng này, các cụ thường lặp đi lặp lại những yêu cầu, những đòi hỏi hay những câu hỏi và từ đó có thể làm con cháu hay người gần cận trở thành bực dọc và cau có.

Dễ mủi lòng, tủi thân

NCT rất dễ mặc cảm vì cho rằng mình là người “vô tích sự”. Các cụ đã dành phần đời mình chăm sóc, lo lắng các con với ước mơ được đền đáp lúc tuổi già nên khi những nhu cầu hay yêu cầu của mình không được các con đáp ứng đầy đủ thì rất dễ mủi lòng, tủi thân…

Dễ mắc bệnh trầm cảm

Khi có những ước mơ không thực hiện được, không hài lòng với cuộc đời mình, NCT rất dễ mắc bệnh trầm cảm và trở nên khó tính, gay gắt với con cái. Ngoài ra, vấn đề ưu tư hàng đầu của NCT, dù nói ra hay không, vẫn là quan tâm đến cái chết. Người thì rất thoải mái bàn luận về vấn đề này, có những thu xếp rõ ràng về tang lễ của mình. Tuy nhiên cũng có người rất kiêng cữ, sợ xui xẻo.

Những  thay đổi tâm lý và cảm xúc

Tâm lý là bộ phận quan trọng của trạng thái tinh thần và xã hội trong cuộc sống con người. Tâm lý thay đổi theo giới tính, tuổi tác, điều kiện hoàn gia đình xã hội, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế… Do tích lũy nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, NCT tôn trọng kỷ cương, đạo lý, truyền thống... NCT cũng lo lắng, bức xúc, bất bình, dễ gây tâm lý bất an.

Do sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh mãn tính nên NCT thường sinh buồn bực, phiền não, tâm lý sống thừa. Do suy giảm trí nhớ, giác quan, NCT khó hoặc chậm nhận biết sự việc nên thấy mình yếu kém, lạc lõng, tâm lý tự ti an phận.

NCT quen và thích cuộc sống ổn định, trọng nghĩa cả, tôn trọng tình bạn, đồng đội, tình làng xóm. NCT thường luyến tiếc cuộc sống trước đây. Do vậy cuộc sống hiện tại khó hòa hợp, dễ tủi thân, ngại giao tiếp, gây tâm lý cô đơn.

Các yếu tố gây tác động tiêu cực đến tâm lý

Lòng tự trọng của NCT dễ bị tổn thương; NCT dễ tủi thân, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi; cảm giác hụt hẫng lúc về hưu; sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc... Nhìn chung NCT có những thay đổi tâm lý phần lớn thuộc về tâm lý tiêu cực. Vì vậy, NCT cần phải chú ý giữ gìn và bồi dưỡng tâm lý tích cực, duy trì sự lành mạnh về tâm lý. Hiểu biết về những thay đổi sinh lý, tâm lý và đặc điểm bệnh lý ở NCT có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe NCT.

Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2015 với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”. Nội dung bao gồm tuyên truyền các chủ trương, luật pháp của Đảng và Nhà nước về NCT.

Hiện hơn 72% số NCT sống chung với con cháu. Bên cạnh đó, tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỉ lệ cao. Trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Sống một mình là điều bất lợi đối với NCT bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản khi về già.

BS MAI XUÂN PHƯƠNG, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Mai Xuân Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN