Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu cấp tính
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp tính.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vừa tổ chức chương trình “Câu chuyện mùa xuân” lần thứ 3 – chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh nhân ngày Thế giới Phòng chống Ung thư và ngày Thế giới Phòng chống Ung thư Trẻ em.
Chủ đề của năm nay là “Chung sống bình yên với ung thư”. Từ đó, người bệnh có góc nhìn bình tâm, đối diện mạnh mẽ hơn và dễ chấp nhận để chung sống với bệnh tật. Thông qua các hoạt động này, chương trình hy vọng sẽ góp phần gián tiếp vào quá trình điều trị của đội ngũ y bác sĩ cho người bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh trò chuyện cùng bệnh nhân.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mỗi ngày đang điều trị cho khoảng từ 1.200 – 1.300 người bệnh, trong số đó có trên 50% là người bệnh ung thư máu. Trong quá trình đồng hành cùng người bệnh, chúng tôi thấu hiểu những giờ phút khó khăn của người bệnh khi tiếp nhận tin bệnh, sự mệt mỏi và những cơn đau không gì có thể diễn tả hết và có cả những vất vả, gian truân của người nhà chăm sóc. Chúng tôi muốn cập nhật một số thông tin trong điều trị và góp phần chia sẻ, nâng đỡ tinh thần người bệnh, người nhà người bệnh có thêm sự vững vàng, lạc quan, yên tâm điều trị”.
Theo PGS. Nguyễn Thanh Hà, riêng khoa Bệnh máu trẻ em hằng ngày điều trị trên 100 bệnh nhân.
Phần lớn bệnh nhân điều trị tại khoa là ung thư máu cấp tính. Số lượng bệnh nhân ở trẻ có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là do việc chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư đã tốt hơn và hiện có nhiều kỹ thuật mới để phát hiện bệnh sớm. Mặt khác, yếu tố môi trường cũng có thể tác động đến tỷ lệ ung thư trong cộng đồng.
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp, bao gồm: Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm; gầy, sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi; gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương, xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm… Nếu phát hiện sớm ung thư máu, nhất là với trẻ em, tỷ lệ điều trị thành công là khá cao.
Theo TS.BS. Vũ Đức Bình – Phó Viện trưởng, các điều kiện chăm sóc, điều trị người bệnh nói chung và người bệnh ung thư nói riêng ngày càng được cải thiện. Với sự phát triển của y học, rất nhiều kỹ thuật, thuốc mới được ứng dụng vào điều trị. Trước đây, có những bệnh lý tưởng chừng “vô phương cứu chữa” như Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Hiện nay, căn bệnh đã có thuốc điều trị và trên 90% người lui bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện nay, Viện đã có hơn 550 ca ghép tế bào gốc, nhiều người bệnh đã trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần (36 tuổi, Nghệ An) đã ghép tế bào gốc thành công cách đây 11 năm.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần (36 tuổi, Nghệ An) đã ghép tế bào gốc thành công cách đây 11 năm. Sau ghép, cuộc sống trở lại bình thường. Hiện nay, chị Thuần cùng với Mạng lưới Vì trẻ em ung thư luôn tích cực gắn bó với các hoạt động hỗ trợ người bệnh của Viện.
Trong chương trình câu chuyện “Yêu thương và được yêu thương!” là những chia sẻ vô cùng chân thực và xúc động ấy được nhắc đến nhiều lần trong những trang viết của “Còn mãi yêu thương”. Tập hợp trong ấn phẩm là những câu chuyện, chia sẻ của người bệnh ung thư giàu nghị lực, lạc quan và truyền lại niềm cảm hứng cho những người đồng bệnh, để họ tự tin đi về phía mặt trời. Hành trình phi thường của người bệnh ung thư máu được kể lại trong ấn phẩm cũng chính là minh chứng cho những tiến bộ trong điều trị ung thư và thêm một lần nữa khẳng định: “Ung thư không phải là dấu chấm hết”.
Nam thanh niên 24 tuổi, đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng vì biểu hiện đau rát họng kéo dài, rất khó nuốt thức ăn, đã dùng thuốc kháng sinh và kháng viêm liên tục mà không đỡ.
Nguồn: [Link nguồn]