Những dấu hiệu cảnh báo cực kỳ nguy hiểm sau khi uống rượu bia
Những trường hợp tử vong, tổn thương não do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết.
Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội cho biết), những trường hợp vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol), do uống quá nhiều rượu không phải là hiếm.
Bệnh nhân nhập viện đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Có người không uống rượu bao giờ, có người thì nghiện.
“Bệnh nhân đã được đưa vào đây Trung tâm Chống độc đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo bác sĩ, những trường hợp tử vong, tổn thương não do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết.
Ethanol trong rượu là tác nhân gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại ăn rất ít hoặc không ăn gì vì uống rượu tạo cảm giác no giả hoặc vì mải vui. Đến khi về nhà, bệnh nhân lại mệt quá không ăn, ngủ, bỏ bữa. Hậu quả là cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời não thiếu oxy có thể bị tổn thương không thể phục hồi.
Bên cạnh đó, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, trung tâm hô hấp cũng bị ảnh hưởng ức chế, bệnh nhân thở yếu, thở khò khè dẫn tới suy hô hấp, thiếu ôxy gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim dẫn đến tử vong, bác sĩ Nguyên cho biết.
Ngoài não, thần kinh hô hấp, cơ cũng bị ảnh hưởng gây tiêu cơ vân, suy thận, chèn ép nhiều thậm chí sau này gây yếu liệt, do thần kinh bị chèn ép…
Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Biểu hiện ngộ đọc rượu từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Theo bác sĩ Nguyên, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc rượu nặng gồm: gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ vài từ, không thể tự đi lại được, không tỉnh, lơ mơ, chậm chạp, lờ đờ, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, lạnh, nôn oẹ nhiều, đau đầu, tím, tái nhợt, thậm chí co giật… Những trường hợp này cần được đưa đến viện cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh điều đáng tiếc.
Bên cạnh đó, những người nghi ngờ bị ngã, chấn thương, đánh nhau, va đập mạnh… cũng cần phải đến viện. Lý do vì biểu hiện chấn thương ở người say rượu không thật, dễ bị bỏ sót. Khi uống rượu say, cảm giác chịu đau của một người tốt hơn, nên kể cả thấn thương nguy hiểm cũng dễ bị bỏ sót.
Để phòng ngộ độc rượu, tốt nhất là không uống rượu nếu uống thì nên uống có chừng mực. Đặc biệt cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.
Sau ba lần xuất tinh mà "cậu nhỏ" của người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội vẫn tiếp tục cương cứng.
Nguồn: [Link nguồn]