Những dấu hiệu bất thường này ở bàn chân đang gửi tín hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề
Từ đau nhức bàn chân đến các tình trạng nghiêm trọng hơn đang cho thấy sức khỏe của bạn có vấn đề.
Bàn chân của chúng ta có tới 33 khớp và 100 cơ, dây chằng và gân. Bàn chân cũng có một mạng lưới dây thần kinh và mạch máu kết nối với tim, não và tủy sống. Chuột rút ở chân, rụng lông ngón chân, vết thương ở chân lâu lành, bàn chân lạnh, thay đổi hình dạng của ngón chân,... đều có thể phản ánh một số loại bệnh.
1. Sưng, đau và đỏ ngón chân
Sự tích tụ của các tinh thể axit uric bên trong ngón chân có thể gây đau, sưng và đỏ. Điều này xảy ra do nồng độ axit uric cao trong máu và tình trạng này được gọi là bệnh gút. Tuy nhiên, viêm khớp và nhiễm trùng cũng dẫn đến đau các ngón chân. Nếu bạn cảm thấy đau nhói ở lòng bàn chân và lan đến các ngón chân, có thể bạn đang bị u thần kinh morton, một loại mô dày xung quanh dây thần kinh, thường nằm giữa ngón chân thứ ba và thứ tư. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới từ 8 đến 10 lần.
2. Thay đổi hình dạng ngón chân
Mặc dù điều này nghe có vẻ khá kỳ lạ nhưng nó vẫn xảy ra - hình dạng ngón chân của bạn có thể thay đổi. Nếu có sự thay đổi về hình dạng của ngón chân và móng chân bị cong, bạn phải cân nhắc việc kiểm tra tim và phổi. Điều này xảy ra do lượng oxy cung cấp trong máu ít hơn. Vấn đề này cũng đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở và thay đổi nhịp tim. Những thay đổi ở móng chân cũng có thể xảy ra do bệnh Crohn.
3. Rụng lông ở ngón chân
Lông ngón chân bị rụng đột ngột có thể cho thấy mức độ lưu thông máu giảm, dẫn đến lông và tóc yếu dần. Điều này có thể gây ra các bệnh về mạch máu, xảy ra do lượng cholesterol cao gây xơ cứng và thu hẹp mạch máu. Điều này dẫn đến giảm khả năng bơm máu của tim đến các chi, gây rụng lông ngón chân và cảm giác không có mạch ở bàn chân.
4. Chuột rút ở bàn chân
Đau và chuột rút ở bàn chân có thể là dấu hiệu báo động của tình trạng suy dinh dưỡng, các vấn đề về thần kinh hoặc cũng là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Đối với vấn đề này, bạn cần bổ sung thực phẩm giàu canxi, magiê và kali. Nạp vào cơ thể một lượng nước vừa đủ mỗi ngày và nếu cơn đau vẫn tiếp tục, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
5. Chân lạnh
Trong trường hợp tuyến giáp hoạt động kém sẽ bị lạnh chân kèm theo rụng tóc, da khô và chóng mặt. Với vấn đề này, bạn cần phải đi kiểm tra chức năng tuyến giáp, nếu nhận thấy một số triệu chứng khác thường. Bàn chân lạnh cũng có nghĩa là máu lưu thông kém do hút thuốc, cao huyết áp và các bệnh về tim mạch.
6. Móng chân dày và có màu vàng
Điều này cho thấy bạn bị nhiễm nấm bên trong móng chân. Móng màu vàng và xấu cũng đi kèm với tình trạng có mùi hôi, có thể chuyển sang màu sẫm. Ban đầu đây là tình trạng không gây đau đớn, nhưng về sau nhiễm trùng có thể lan sang các móng chân và móng tay khác.
7. Ngón chân có màu trắng, xanh
Hậu quả của bệnh Raynaud (một chứng rối loạn hiếm gặp của mạch máu) có thể khiến ngón chân chuyển sang màu trắng, sau đó chuyển sang màu xanh lam, sau đó trở lại tông màu tự nhiên. Nguyên nhân là do co thắt mạch, hoặc hẹp động mạch đột ngột. Những thay đổi về nhiệt độ hoặc căng thẳng gây ra co thắt mạch, thường không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Bệnh Raynaud cũng liên quan đến viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren hoặc rối loạn tuyến giáp.
8. Thay đổi về cách bước đi
Trong một số trường hợp, dấu hiệu đầu tiên của vấn đề có thể là sự thay đổi trong cách đi của bạn, chẳng hạn như dáng đi rộng hơn hoặc xu hướng lê chân. Nó có thể là do bàn chân của bạn mất dần cảm giác do tổn thương dây thần kinh ngoại vi. Khoảng 30% các trường hợp này có liên quan đến bệnh tiểu đường. Hơn nữa, tổn thương thần kinh có thể xảy ra do nhiễm trùng, thiếu vitamin và nghiện rượu. Các nguyên nhân khác gây ra hiện tượng lê chân bao gồm các vấn đề về não, tủy sống hoặc cơ.
9. Sưng bàn chân
Thông thường, đây chỉ là sự bất tiện tạm thời do đứng quá lâu hoặc đi một chuyến bay dài, đặc biệt là khi mang thai. Trong các trường hợp khác, bàn chân bị sưng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Tình trạng này do tuần hoàn kém, hệ thống bạch huyết gặp vấn đề hoặc cục máu đông. Rối loạn tuyến giáp hoặc thận kém hoạt động cũng có thể gây sưng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng chân bị sưng kéo dài.
10. Ngứa bàn chân
Chân bị ngứa là dấu hiệu của bệnh nấm da chân, một bệnh nhiễm trùng thông thường. Ngứa cũng có thể xảy ra do phản ứng với hóa chất hoặc các sản phẩm chăm sóc da, được gọi là viêm da tiếp xúc.
Gan nhiễm độc và tổn thương lâu ngày không có giải pháp khắc phục sẽ tiến triển thành nhiều bệnh lý về gan nguy hiểm...
Nguồn: [Link nguồn]