Những cơn đau đầu có thể cướp sinh mạng của người trẻ tuổi
Nếu nhồi máu não hay gặp ở người cao tuổi, bị các bệnh mãn tính, tim mạch, huyết áp… thì phình, vỡ mạch máu não lại thường gặp ở người trẻ tuổi. Gần đây, trung bình mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) tiếp nhận tới 5-7 ca chảy máu não, rất nhiều người chỉ mới ngoài 30 tuổi.
BS Phạm Văn Cường kiểm tra sức khoẻ bệnh nhân P.V.M (32 tuổi, bị phình mạch máu não). Ảnh: V.Thu
Đột ngột đau đầu dữ dội rồi rơi vào lơ mơ
Đang nằm điều trị tại Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), anh P.V.M (32 tuổi, ở Bắc Ninh) luôn trong tình trạng ý thức lơ mơ. Tầm trưa, khi trao đổi với bác sĩ điều trị, nam bệnh nhân sinh năm 1986 này có lúc tỉnh táo, nhưng có lúc lại nói chuyện “không liên quan”. Rất khó khăn khi bón từng thìa cháo cho chồng ăn, vợ anh liên tục phải vỗ vào người đánh thức anh tỉnh lại.
BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não cho hay, bệnh nhân M vào viện cách đây vài ngày, trong tình trạng ý thức lơ mơ, gọi – hỏi đáp ứng kém. Bệnh nhân đồng thời đã bị liệt nửa người trái, đau đầu, cứng gáy rất rõ. Kết quả chụp CT mạch máu não cho thấy anh đã bị vỡ mạch máu, chảy máu não.
“Ba ngày trước khi vào viện, chồng tôi kêu đau đầu, đau nhiều nhưng cứ chủ quan mua thuốc giảm đau uống nhưng không đỡ, vẫn nghĩ do thời tiết thay đổi, hôm trước lại vừa uống rượu. Cố chịu đựng đến ngày thứ 3, chồng tôi đột nhiên lờ đờ, đau không đi lại được nữa, mới bảo gia đình đưa đi viện...”, chị Q.A, vợ bệnh nhân M chia sẻ bên giường bệnh của chồng.
TS Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ, những trường hợp như bệnh nhân M không hiếm trong thời gian gần đây. Trung tâm đã từng tiếp nhận những bệnh nhân chỉ mới hơn 10 tuổi đã bị vỡ mạch máu não. Hầu hết các bệnh nhân khi vào viện phát hiện vỡ mạch máu não do phát hiện muộn, chủ quan có dấu hiệu cảnh báo rõ mà không đến viện ngay. Theo TS Nguyễn Văn Tuyến, cơn đau đó được mô tả như “tiếng sét giữa trời quang”, đau đớn dữ dội. Ngoài đau đầu, các triệu chứng của tình trạng phình mạch máu não xảy ra rất đột ngột, buồn nôn và nôn, nặng thì có thể rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí bệnh nhân có thể ngừng tim ngay lập tức.
Mới nhất, một trường hợp nam bệnh nhân 38 tuổi bị chảy máu não do vỡ phình mạch. Gia đình cho biết, cách đó mấy ngày, bệnh nhân bị đau đầu như búa bổ, đau rất bất thường, chưa bao giờ kêu ca nhiều như thế nhưng vẫn không đi viện. Hiện bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) tiên lượng rất nặng nề, khả năng chết não rất cao.
“Với những trường hợp như bệnh nhân M, việc điều trị phục hồi chức năng phụ thuộc nhiều yếu tố, tuỳ từng bệnh nhân, có thể vài tháng nhưng cũng có thể lâu hơn. Với người trẻ tuổi, khả năng phục hồi nhanh hơn nhưng cũng không thể về toàn trạng 100% như trước, mà tối đa chỉ được khoảng 70-80%”, BS Phạm Văn Cường thông tin.
Đến viện càng sớm càng tốt
Theo các chuyên gia, phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng manh rất dễ vỡ. Khi phình mạch vỡ thường gây máu tràn vào khoang dưới nhện có thể vào nhu mô não, não thất. Tình trạng này gây ra tỷ lệ tử vong cao, nếu sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như liệt, rối loạn ý thức, nằm liệt giường sống lệ thuộc vào người khác.
Theo BS Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) xuất huyết dưới nhện, phình mạch máu não rất nguy hiểm, bởi ở giai đoạn túi phình động mạch não chưa lớn và chưa vỡ thì người bệnh hầu như không có triệu chứng gì. Các túi phình mạch máu não chỉ có thể phát hiện dựa trên các chẩn đoán hình ảnh học. Nếu túi phình to (chưa vỡ) thì có thể gây triệu chứng yếu liệt chi, liệt vận động mắt hoặc mờ mắt do chèn ép dây thần kinh. Khi túi phình vỡ gây xuất huyết khoang nội sọ, người bệnh sẽ đau đầu đột ngột dữ dội, cổ cứng, nặng hơn có thể kèm rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê) và động kinh.
Cũng theo BS Quốc Tuấn, xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa. Nếu người bệnh không được bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ vỡ lại rất cao, lên đến 20-30% trong 2 tuần đầu tiên và 50% trong 6 tháng đầu. Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, 70-90% người bệnh sẽ tử vong. Ngoài ra xuất huyết dưới nhện còn có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như nhồi máu não, dãn não thất làm tổn thương hệ thần kinh của người bệnh. Xuất huyết dưới nhện là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, việc điều trị xuất huyết dưới nhện cần điều trị toàn diện, bao gồm điều trị triệt để túi phình, hồi sức sau phẫu thuật và theo dõi, phòng ngừa những biến chứng khác.
Hình dung đơn giản, mạch máu não cũng như bờ đê, nếu bờ đê yếu, ban đầu có những tác động sẽ làm nứt kẽ, rỉ rả, nếu được nút mạch, bao bọc lại ngay thì sẽ ngăn chặn nguy cơ “vỡ đê”. Còn nếu có thêm tác động một lần nữa, đê rất dễ vỡ. “Rất nhiều bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội, bất thường nhưng thường vẫn cố làm việc, hoặc nghĩ do nhiều nguyên nhân như thời tiết, uống rượu, căng thẳng công việc… nên không tới viện kiểm tra, chụp CT mạch máu não hay cộng hưởng từ mạch máu não để khảo sát có phình, dị dạng hay không. Trong khi đó, với bệnh nhân phình mạch máu não, việc đưa đến viện sớm chừng nào, cơ hội cứu sống cao hơn chừng đó”, TS Nguyễn Văn Tuyến nói.
Những đối tượng có nguy cơ cao cần phải chụp kiểm tra như: Những người trong gia đình có bệnh nhân phình mạch; gan thận đa nang; những người có các yếu tố nguy cơ: Tuổi cao, hút thuốc, uống nhiều rượu, vữa xơ mạch máu, nghiện ma túy, có tiền sử hay đau đầu… Nếu có điều kiện thì mọi người nên sàng lọc thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ cảnh báo, mùa lạnh là mùa vỡ phình mạch và chảy máu não nói chung. Mỗi tối, Trung tâm Đột quỵ não tiếp nhận khoảng 5-7 ca chảy máu não. Tính chung, bệnh nhân chảy máu não tăng 10-20% so với trước, đa phần là người trẻ. |
Theo BS Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội108), thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài sơ cứu, cấp cứu phình mạch máu não rất sai trái. Theo đó, các bài này cho rằng khi xuất huyết não, đột quỵ khuyên bệnh nhân nằm yên, không di chuyển, châm chích máu đầu 10 ngón tay, chân đợi đến khi nào tình trạng bệnh ổn mới đến viện. Trong khi đó, đây chính là cách lấy đi sinh mạng bệnh nhân nhanh nhất. Nhiều bệnh nhân vì học theo cách này, dù phát hiện bệnh từ tối hôm trước nhưng “nằm yên” nên sáng hôm sau mới đưa đi viện, qua thời gian “vàng” cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. |
Ông N. bị đau đầu đã hơn 1 năm nhưng không đi khám vì nghĩ là chỉ bị đau đầu thông thường. Đến khi đau đầu chịu...