Những chuyện đồn thổi khi mang thai

Phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người làm mẹ lần đầu thường được khuyên bảo nên và không nên làm gì để mẹ và con khỏe mạnh, an toàn nhất nhưng đôi khi khó có thể phân biệt đâu là lời khuyên đúng. Những quan niệm dưới đây có lẽ chúng ta từng nghe nhưng hãy… bỏ qua.

Nhiều cách xác định giới tính

Nhiều phụ nữ mang thai trong 20 tuần đầu mong ngóng, sốt ruột tìm hiểu xem thai nhi mang giới tính gì. Qua internet, họ có thể tìm thấy khá nhiều cái gọi là phương pháp xác định giới tính của em bé như tính giờ thụ thai hay thậm chí còn có một bộ kiểm tra giới tính có bán trong các nhà thuốc. Thật không may, không có phương pháp nào là chính xác cả. Cách chắc chắn nhất là chọc dò màng ối, kiểm nghiệm mẫu nước ối và các dấu hiệu di truyền hoặc siêu âm.

Không nên nhuộm tóc

Phụ nữ thường được nghe rằng nếu có thai thì không thể nhuộm tóc. Tuy nhiên, theo Hiệp hội về mang thai của Mỹ, không có bằng chứng cho thấy thuốc nhuộm tóc gây hại cho thai nhi. Có lẽ quan niệm này đến từ  nguy cơ hóa chất trong thuốc nhuộm có thể được hấp thụ qua da của người mẹ và sau đó làm tổn hại đến em bé. Nhưng nếu người mẹ thực sự quan tâm, lo lắng, hãy “kiêng” vào 3 tháng đầu tiên, 3 tháng cuối, phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể diện một bộ tóc với màu mới.

Những chuyện đồn thổi khi mang thai - 1

Bà mầu hoàn toàn có thể diện cho mình một màu tóc mới. (Ảnh minh họa)

Có thể ngăn ngừa rạn da

Nhiều người bỏ ra khối tiền để mua kem ngăn ngừa hoặc điều trị vết rạn da nhưng điều này dường như vô ích. Khó có thể ngăn chặn được tình trạng rạn da khi mang thai bởi các vết rạn xuất phát từ bên trong chứ không phải ở bên ngoài. Sự gia tăng cortisone trong thai kỳ có thể phá vỡ sợi đàn hồi trong da. Dùng một số phương pháp điều trị có thể giảm bớt tình trạng này nhưng không có cách nào chắc chắn làm cho rạn da biến mất hoàn toàn.

Ợ nóng nhiều, tóc bé mọc rậm

Những chuyện đồn thổi khi mang thai - 2

Chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy bà bầu nào nghén, ợ nóng nhiều thì em bé sinh ra sẽ có nhiều tóc. (Ảnh minh họa)

Người phương Tây rất phổ biến quan niệm là khi mang thai, bà bầu nào nghén, ợ nóng nhiều thì em bé sinh ra sẽ có nhiều tóc. Chưa rõ kinh nghiệm này đến từ đâu nhưng rõ ràng, do những biến đổi về hormone trong thai kỳ, phụ nữ mang thai hay bị ợ nóng do thai nhi đang phát triển đẩy chất dịch dạ dày lên thực quản. Theo một nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins, quan niệm trên chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà hầu như chưa có cơ sở khoa học.

Mụn trứng cá - đẻ con gái

Một câu chuyện lưu truyền đã khá lâu là nếu người mẹ mọc mụn nhiều, em bé trong bụng chắc sẽ là con gái vì cô con gái đó sẽ đánh cắp vẻ đẹp của mẹ. Thực tế là, mụn trứng cá cũng là hiện tượng thường gặp trong thời kỳ mang thai do sự biến động trong kích thích tố. Mụn trứng cá có thể khắc phục bằng thoa thuốc tại chỗ nhưng lưu ý là khi mang thai, làn da phụ nữ có thể nhạy cảm hơn bình thường và dùng bất kỳ thuốc gì cũng phải qua tư vấn của bác sỹ.

Ăn cho hai người

Đây là điều chúng ta thường được nghe từ chính những phụ nữ mang thai và người thân của họ. Không hẳn như vậy, trung bình một phụ nữ cần 1.200 - 1.500 calo mỗi ngày là đủ, khi mang thai họ cần tiêu thụ hơn thế khoảng 300-450 calo, tức là chỉ thêm 1/3 khẩu phần bình thường. Ăn cho hai người, chưa kể thường xuyên ăn vặt và tráng miệng có thể dẫn đến tăng cân không lành mạnh, đều không tốt cho việc sinh nở sau này.

Những chuyện đồn thổi khi mang thai - 3

Bà bầu thường xuyên ăn vặt dễ tăng cân. (Ảnh minh họa)

Không nên đi máy bay

Phụ nữ mang thai có nên đi lại bằng máy bay không? Có người cho rằng thay đổi áp suất sẽ kích thích cơn co dạ con và bức xạ trên cao là không an toàn. Sự thật là, áp suất trên máy bay cũng như mức phóng xạ không đủ để có thể gây rắc rối cho phụ nữ mang thai. Lo ngại duy nhất là đi máy bay có thể giảm nhẹ lượng ôxy cung cấp cho cơ thể nhưng đó không phải là rào cản đối với một thai kỳ khỏe mạnh.

Tránh máy tính và lò vi sóng

Có quan niệm cho rằng máy tính và lò vi sóng không an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Đây cũng là quan niệm ít có cơ sở khoa học vì không có bằng chứng chứng tỏ thai nhi và mẹ sẽ bị tổn thương trước lượng bức xạ dư thừa của lò vi sóng hay máy tính. Chỉ có điều, phụ nữ mang thai tránh ngồi làm việc với bàn phím lâu vì trong thời kỳ này, hội chứng ống cổ tay rất dễ phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN