Những chuyến đi "không hẹn ngày về" và nụ cười ngày biết tin dịch cơ bản được kiểm soát tốt
Quên cả Tết, các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy và nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế đã ngày đêm nỗ lực, hỗ trợ Gia Lai chống dịch.
Sau thời gian ngắn khảo sát, nắm bắt tình hình hình thực tế cùng với sự hỗ trợ tích cực của Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Gia Lai, tới sáng 8/2, hai đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 7 thành viên đã hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID -19 tại tỉnh Gia Lai.
Bằng kinh nghiệm thiết lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận..., ê-kíp đã thiết lập cơ bản hoàn chỉnh đơn nguyên Cấp cứu - Hồi sức cấp cứu có thể thu dung 8-10 bệnh nhân nặng cần thở máy, lọc máu, ECMO; 3 đơn nguyên điều trị bệnh nhân nhẹ trung bình có khả năng thu dung 150 bệnh nhân; một phòng mổ; 1 phòng sinh và phòng lọc thận cho 4 bệnh nhân cần lọc máu định kỳ. Hệ thống oxy trung tâm, khí nén và máy hút trung tâm cũng đã hoàn thiện.
Đội phản ứng nhanh số 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường tiếp viện Gia Lai lập bệnh viện dã chiến. Trong số này có BSCK Trần Thanh Linh - gương mặt quen thuộc từng góp sức điều trị thành công bệnh nhân 91 (phi công Anh) và lực lượng chủ đạo chi viện cho Đà Nẵng hồi tháng 7-8/2020. Ảnh: BV
Đồng thời, bệnh viện dã chiến này có thể được mở rộng trong giai đoạn 2 để thu dung thêm 150 bệnh nhân COVID-19. Các hạng mục còn lại đang tiếp tục được địa phương tích cực hoàn thiện và diễn tập trước khi đưa vào hoạt động tuỳ vào diễn biến dịch bệnh của tỉnh Gia Lai.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, chiều 2/2, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng kết nối qua điện thoại với Sở Y tế Gia Lai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để nắm bắt tình hình dịch bệnh nhằm chủ động chuẩn bị trước khi lên đường chi viện. Lúc này, Gia Lai ghi nhận 13 ca dương tính, tình hình được đánh giá là phức tạp.
Rạng sáng 3/2, Đội phản ứng nhanh số 1 gồm 3 thành viên: TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Đội trưởng), ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới và BS CK1 Nguyễn Lý Minh Duy, Khoa Hồi sức cấp cứu, đã khẩn trương lên đường hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai.
Sáng 4/2, Gia Lai tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục cử Đội phản ứng nhanh số 2 lên đường đến vùng đất cao nguyên. Nhiệm vụ chính của ê-kíp là hỗ trợ thẩm định xây dựng bệnh viện dã chiến tại Gia Lai.
Thầy thuốc Việt Nam sẵn lòng ghi tên vào đội phản ứng nhanh, sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào, bất cứ nơi nào cần. Ảnh: BV
Ê-kíp số 2 gồm 4 thành viên: Trưởng đoàn là BSCK2 Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực; ThS Điều dưỡng Vương Thị Nhật Lệ - Phó trưởng phòng Điều dưỡng; ThS - kỹ sư Lê Hữu Hoàng – Phó trưởng khoa Sinh Hóa; Kỹ thuật viên Nguyễn Công Doanh – Khoa Huyết học.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều lãnh đạo khoa, các cán bộ, đều nhiệt tâm ghi tên mình vào đội phản ứng nhanh của Bệnh viện, để bất cứ khi nào, bất cứ địa phương nào cần, họ đều sẵn sàng lên đường.
Từ những kinh nghiệm đã có đúc kết trong những lần chống dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận,… cùng với sự nhiệt huyết và quyết tâm chống dịch, BS CK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ, các cán bộ của Bệnh viện luôn lên đường với tâm thế “Không có ngày Tết – Khi nào hết dịch thì sẽ về”.
"Đâu có dịch là ta cứ đi" là tinh thần của các cán bộ y tế Bệnh viện Chợ Rẫy - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Không chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy, để dốc lực hỗ trợ Gia Lai lần đầu có ca bệnh COVID-19, "đội quân" tinh nhuệ của Bộ Y tế còn có Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang (hỗ trợ xét nghiệm, truy vết), đoàn của TP Đà Nẵng (hỗ trợ truy vết)...
"Trong những ngày qua anh em y tế không nghĩ tới Tết mà chỉ nghĩ sao có thể kiểm soát được dịch để bà con ăn Tết an toàn. Mong sao dập dịch càng sớm càng tốt", BS Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Đó cũng là tâm sự của hàng chục cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ y tế và TP Đà Nẵng. Các đoàn công tác lên đường với tinh thần quyết tâm, không quan trọng ngày trở về nếu chưa giúp Gia Lai khống chế được dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch mới đây đã gửi lời cảm ơn trân trọng tới sự chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của đơn vị trực thuộc Bộ và sự giúp đỡ của tỉnh bạn đối với Gia Lai.
Tỉnh Gia Lai trân trọng sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các địa phương bạn đồng hành với Gia Lai chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Đến nay, Gia Lai đã cơ bản kiểm soát và khống chế được COVID-19. Các ca bệnh được ghi nhận tại cộng đồng ở huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa đến nay đã được khoanh vùng, truy vết khẩn trương. Các đối tượng nguy cơ cao, liên quan đã được cách ly theo quy định.
Với sự hỗ trợ của các đoàn cán bộ y tế, việc xét nghiệm, lấy mẫu diễn ra thần tốc, chính xác. Các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Tây Sơn) và đường Hoàng Sa (phường Ia Kring) của thành phố Pleiku đã hoạt động trở lại bình thường, không còn phong tỏa.
Đến 7/2, Gia Lai đã lấy 6.192 mẫu xét nghiệm (F1 có 1.647 mẫu, F2 có 1.746 mẫu). Các trường hợp F1, F2 đều được tư vấn cách phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Bên cạnh đó, các đoàn truy vết còn đến tận các vùng dân tộc thiểu số hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày giáp Tết, trong Tết.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa phẫu thuật mổ lấy thai cho sản phụ dương tính virus SARS-CoV-2 tại khu cách ly.