Những cái chết thương tâm sau tiêm vắc-xin?

Cách đây 2 ngày cháu Nguyễn Thanh Long (Yên Khê, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đã tử vong sau tiêm vắc-xin. Sự việc xảy ra khiến không ít phụ huynh giật mình.

Sáng 4/1, gia đình đưa bé Long đến trạm xá xã Yên Thường tiêm vắc-xin “5 trong 1” . Tiêm xong, cán bộ trạm xá xã bảo: Sau khi tiêm, các cháu sẽ bị sốt nhẹ, nên cha mẹ không phải lo lắng. Gia đình cũng để cháu ở lại trạm xá theo dõi 30 phút.

Đến 14h30 cùng ngày cháu Long bị sốt nhẹ nhưng vẫn ăn uống bình thường. Tuy nhiên, 4h30 ngày 5/1, cháu khóc nhiều, bỏ bú, da tái xanh, người lịm đi. Lập tức gia đình đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang (Hà Nội) nhưng cháu đã tử vong ngay sau đó.

Những cái chết thương tâm sau tiêm vắc-xin? - 1

Chị Hoa Linh nấc nghẹn trước cái chết của con trai 3 tháng tuổi

Trước cái chết quá tức tưởi của con, chị Linh nói trong nấc nghẹn: “Cháu từ khi sinh ra chưa bao giờ ốm đau, da dẻ hồng hào, ăn khỏe, chơi ngoan, vậy mà sau khi tiêm phòng ở trạm xá xong, cháu đã bỏ ông, bỏ bà, bỏ bố, mẹ bỏ anh cháu ra đi”.

Trước đó, từ ngày 7-9/12, sau khi tiêm vắc-xin ở trạm y tế xã Châu Quang, Quỳ Hợp Nghệ an, 3 cháu bé dưới 1 tuổi có biểu hiện sốt, da xanh tái và tử vong.

Kể từ khi 3 cháu bé tử vong, cả xã Châu Quang chìm trong nước mắt đau thương, người dân bàng hoàng vì sự việc quá bất ngờ.

Được biết, ba cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở trạm y tế xã Châu Quang là cháu Vi Trung Kiên (gần 3 tháng tuổi), xóm Quang Thịnh; Lô Quang Thịnh (3 tháng tuổi), xóm Quang Hương; Vi Hoài Nam (3 tháng tuổi), bản Cù, cùng ở xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An. Sự ra đi bất ngờ của 3 cháu nhỏ khiến người dân xã Châu Quang bàng hoàng, đau đớn.

Những cái chết thương tâm sau tiêm vắc-xin? - 2

Y tá xã Châu Quang nghi ngờ lô vắc - xin có vấn đề. (Ảnh: Tiền Phong)

Qua lời kể của các gia đình có trẻ tử vong, trước lúc tiêm các cháu rất khỏe mạnh, ăn uống bình thường, chơi ngoan và không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

3 tháng trước, sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” , bé trai 3 tháng tuổi bỗng lên cơn co giật, khó thở, tím tái rồi tử vong sau 7 tiếng nhập viện cấp cứu. Nạn nhân là bé trai Ng.Đ.T.Ph. ở đường Trạng Trình, phường 9, thành phố Đà Lạt.

Sáng 15/11, bé Ph. được đưa đi tim vaccine “5 trong 1” tại Trạm Y tế phường 9, thành phố Đà Lạt. Đến tối, cháu bé có biểu hiện co giật, gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến 3 giờ sáng nay (16/11), cháu Ph. đã tử vong.

Những cái chết thương tâm sau tiêm vắc-xin? - 3

Vắc-xin Quinvaxem

Vào ngày 27/ 9, sau lần tiêm “vaccin 5 trong 1” Hip, bé Vũ Trung Hiếu (4 tháng tuổi) liên tục sốt cao, nổi ban, sưng tấy và tử vong sau 4 ngày điều trị.

Được biết, từ khi cháu Hiếu mất, người dân thôn Chợ Rịa, xã Phú Lộc (Nho Quan, Ninh Bình) xôn xao trước cái chết của bé trai Vũ Trung Hiếu (4 tháng tuổi). Họ “sốc” bởi trước khi tiêm phòng vaccin, Hiếu vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, hay ăn hay chơi.

Chị Ngô Thị Dung - mẹ cháu Hiếu nghẹn ngào: “Sáng 25/9 là lịch tiêm vaccin của xã, tôi bận đi làm nên người nhà đưa cháu đi tiêm. Trước lúc tôi đi làm, cháu vẫn bú, ăn bột, chơi bình thường. Khoảng 11 giờ trưa tôi đi làm về thì thấy cháu sốt và quấy khóc.

Sáng hôm sau, bỗng nửa đầu bên trái của cháu sưng tấy, vết sưng ngày càng lan rộng ra, toàn thân mẩn đỏ. Đến trưa ngày 28/9, do cháu sốt quá cao (40 – 41 độ C) thì cháu mất”.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tiêm vaccine là tiêm một tác nhân lạ vào trong cơ thể nên có tỷ lệ phản ứng nhất định (các vaccine hiệu quả nhất cũng có thể gây phản ứng, nhưng các phản ứng này thường nhẹ và tự mất đi.

Hiện thông tin điều tra ban đầu của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chưa phát hiện có sai sót trong quy trình tiêm chủng tại các cơ sở y tế và chưa có bằng chứng về sự liên quan của vắc xin và dịch vụ tiêm chủng đến các trường hợp tử vong này. Việc bảo quản, vận chuyển vắc xin đúng quy định. Cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn theo quy định.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng phải nhập viện sau tiêm chủng. Cụ thể năm 2009 có 10 ca tai biến nặng, 7 ca tử vong nhưng chỉ có 3 ca trong số đó được xác định có liên quan đến tiêm chủng.

Năm 2010 có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm phải nhập viện, 10 tử vong và xác nhận có 7 ca không liên quan đến tiêm chủng.

Năm 2011 có 17 trường hợp sau tiêm chủng phải nhập viện, 10 tử vong và đã xác định 13 ca không liên quan tiêm chủng. Năm 2012 có 12 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện, 9 ca tử vong, xác định chỉ 1 ca có thể liên quan đến tiêm chủng.

(GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hồng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN