Những cách sơ cứu đơn giản cần biết khi bị bỏng

Sự kiện: Sống khỏe

Bỏng là tai nạn rất dễ gặp khi chỉ cần một sơ suất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây nên bỏng như bỏng lửa, bỏng hơi, bỏng cồn, bỏng hóa chất... Tùy từng tác nhân gây bỏng mà có cách xử lý khác nhau. Nếu có kiến thức sơ cứu sẽ tránh bỏng sâu, giúp giảm tổn thương và thêm cơ hội cứu giúp nạn nhân.

Những cách sơ cứu đơn giản cần biết khi bị bỏng - 1

Ảnh minh họa

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Bỏng Quốc gia, 60% bệnh nhân bỏng phải nhập viện là trẻ em, chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn. Nhiều trẻ em, người già bị bỏng nhưng do sơ cứu sai cách nên nạn nhân bỏng nặng hơn. Nếu có kiến thức sơ cứu bỏng sẽ giúp giảm tổn thương, thêm cơ hội cứu giúp nạn nhân.

Sơ cứu bỏng nước sôi

Theo các chuyên gia cứu chữa bỏng, bỏng nước sôi là một hình thức bỏng nhiệt. Việc sơ cứu sẽ hạn chế mức độ nặng, điều trị hiệu quả hơn. Cụ thể:

- Cách ly nạn nhân ra khỏi nước sôi nhanh nhất có thể.

- Nếu vùng bỏng lớn, hoặc có quần áo thì tuyệt đối không cởi (vì có thể bị lột da).

- Ngâm vùng bỏng vào nước, hoặc dưới vòi nước chảy tới khi đau đớn dịu bớt thì có thể bôi thuốc mỡ đặc trị bỏng.

- Băng bó vết thương bằng gạc vaseline, gạc vô trùng hoặc vải sạch không có lông tơ (để sợi tơ nhỏ không bám vào vết bỏng), quấn lỏng để không gây áp lực lên vùng bỏng. Nếu không có băng thì tránh đụng chạm vùng da bị bỏng.

- Sau sơ cứu, khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bỏng điện

Điện giật hoặc sét đánh có thể gây bỏng rất sâu, một số bệnh nhân bị bỏng điện thì cơ thể cũng bị ngừng tim do dòng diện đánh vào tim, do vậy phải tiến hành cấp cứu ngừng tim ngay nếu nạn nhân bị ngừng tim rồi mới sơ cứu vết bỏng sau. Nhưng trước khi tiến hành vết bỏng phải:

- Dùng cây khô, gậy khô, gậy nhựa… nói chung là vật cách điện - để ngắt nguồn điện.

Tuyệt đối không dùng tay kéo nạn nhân, vì dòng điện sẽ hút người cứu vào.

- Nhanh chóng gọi xe cấp cứu tới.

Trong lúc đợi xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm trên nền cứng để cơ thể giải phóng điện tích ở các mô.

Sơ cứu hô hấp nhân tạo (nếu ngưng thở), hoặc ép tim ngoài lồng ngực (nếu nhịp tim ngưng) để nạn nhân lấy lại nhịp tim.

- Chống sốc sơ cứu bằng cách để đầu thấp, kê cao chân.

- Che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc, vải sạch không có sợi tơ.

Bỏng hóa chất

Bỏng hóa chất nếu ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, mắt, cơ quan sinh dục thì đều là bỏng nặng. Cách sơ cứu:

- Cần xối thật nhiều nước mát để rửa.

- Cởi trang sức, đồng hồ, dây chuyền… và không đặt thứ gì vào vết bỏng, kể cả thuốc mỡ, vì có thể gây phản ứng hóa học nặng hơn.

- Nhanh chóng cắt bỏ quần áo cho nạn nhân bằng dụng cụ cắt. Tuyệt đối không lột, cởi vì da vùng bỏng sẽ bị bóc theo.

Bỏng hóa chất dội nước không thể hạ nhiệt, mà chỉ rửa sạch dị vật, trôi bớt hóa chất – nên vùng bỏng vẫn ăn sâu. Phủ băng gạc lên vết bỏng và nhanh đưa tới bệnh viện để bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương và cấp cứu kịp thời.

Sơ cứu bỏng lửa

Dập lửa cần dùng nước hoặc cát, chăn, vải dày… nhúng nước mới tắt. Tuyệt đối không dùng vải nhựa, vải có ni lông… vì lửa dễ bén.

- Cởi bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ.

- Làm mát ngay vùng bỏng để dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu, sạch vùng bỏng, rồi băng lại.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì vài ngày vùng bỏng tự liền. Nhưng nếu vết bỏng rộng, sâu thì sơ cứu xong cần sớm đưa nạn nhân vào viện.

Sơ cứu bỏng cồn

Dập lửa cồn bằng khăn ẩm phủ lên chỗ có cồn cháy.

Bỏng cồn được xếp vào dạng bỏng lửa, rất độc và nguy hiểm, gây đau rát và nhiều hậu họa. Sơ cứu như sau:

- Tháo bỏ ngay những đồ dùng, vật dụng cứng ở vùng da bị bỏng (vòng, nhẫn, giày dép…).

- Giữ sạch vùng bỏng. Tuyệt đối không bôi dầu, mỡ hay bất cứ loại thuốc nào lên vùng da bị bỏng.

- Không cố cởi quần áo đã bị dính vào vết bỏng.

- Dội nước sạch làm mát vết bỏng. Rồi dùng gạc vô khuẩn, hoặc vải sạch che vết bỏng và đưa đi cấp cứu chuyên khoa gần nhất.

Chăm sóc cấp cứu bỏng nói chung

Dù bỏng do nguyên nhân gì thì đầu tiên cũng cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.

Tiếp đó hạ nhiệt bằng ngâm nước từ 15 - 20 phút để vết bỏng không sâu, rộng thêm. Thay nước 5 phút/ lần tới khi nạn nhân đỡ đau rát. Hoặc bọc vùng bỏng rồi đổ nước lạnh lên. Vết bỏng ở tay, chân có thể cho nước sạch từ vòi chảy trực tiếp lên.

Việc tháo bỏ vật cứng, trang sức trên vùng bỏng cần làm ngay khi có thể, tránh để vết bỏng sưng nề không tháo được và là bỏng hóa chất còn gây phản ứng hóa học.

- Băng nhẹ, hoặc che phủ vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế.

- Không bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá… vì có thể làm bỏng nặng hơn.

- Bỏng điện, bỏng hóa chất càng cần tới bệnh viện sớm, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch.

- Vận chuyển nạn nhân bị bỏng cần dùng dịch vụ cấp cứu trang thiết bị chuyên dụng.

Lưu ý khi có người bị bỏng

- Không ngâm vết bỏng bằng nước đá, hoặc đá viên - vì vết bỏng sẽ trầm trọng hơn.

- Nếu có bọng nước, kết vảy không sờ mó, chọc, bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn.

- Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm sâu, làm sạch chất bẩn trên vết bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.

- Không dùng nước đá để làm mát vết bỏng.

- Không ngâm toàn bộ cơ thể vào trong nước.

- Không cố gỡ bỏ quần áo bị cháy đã được làm mát.

- Không thoa bơ, dầu, bôi kem đánh răng, dầu mù u, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.

Mẹo hay - Dễ làm: 3 bước sơ cứu khi bị bỏng

Làm nguội vết thương dưới nước sạch, băng vết bỏng, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế là ba bước cơ bản để sơ cứu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyển Hương (Gia Đình & Xã Hội)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN