Những cách đơn giản để phòng ngừa tiểu đường, khi nào bạn cần đi khám?
Người bị bệnh đái tháo đường có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước và gầy sút, một số người hay bị đói nên ăn nhiều.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, tiền đái tháo đường nếu để diễn biến tự nhiên thì sau 10 năm, 50% sẽ chuyển thành đái tháo đường (ĐTĐ), 25% vẫn là tiền ĐTĐ và 25% có thể trở về bình thường.
Tiền ĐTĐ là dạng rối loạn đường huyết nhưng chưa đến mức là ĐTĐ. Có 2 dạng tiền ĐTĐ là tăng đường huyết lúc đói (đường huyết lúc đói dưới 7,0 nhưng trên 5,6 mmol/L) và rối loạn dung nạp glucose (đường huyết đo 2h sau khi uống 75g glucose từ 7,8 đến 11,0 mmol/L).
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Cho đến nay có 3 phương pháp chính để can thiệp vào nhóm này là: Thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Thay đổi lối sống là phương pháp can thiệp cơ bản, gồm điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường tập luyện thể lực để làm giảm cân. Phương pháp này có hiệu quả rất tốt trong thời gian đầu nhưng lại không bền vững. Do đó, hiện nay người ta đang hướng đến phương pháp sử dụng thuốc đối với nhóm tiền ĐTĐ nguy cơ cao với các biến chứng về tim mạch, thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Metformin. Phương pháp phẫu thuật thắt dạ dày hoặc nối thông dạ dày – ruột được áp dụng đối với nhóm béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 34.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy cũng lo ngại, trẻ hóa ĐTĐ cũng là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Có cháu 14, 15 tuổi đã mắc ĐTĐ và thường là những đứa trẻ béo phì, gáy và nách thường có gai đen (có đám da sần và chuyển màu). Việc điều trị nhóm này khó khăn hơn vì các thuốc uống hạ đường huyết thường ít được nghiên cứu ở trẻ em, và trẻ thường tuân thủ điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn. Có bệnh nhân 16 tuổi, bị ĐTĐ, cao 1m83, nặng 88 kg, vào viện vì đường máu quá cao. Sau khi điều trị, cân nặng vẫn tăng do chế độ ăn không đảm bảo, đi học thường xuyên ăn thêm.
Dấu hiệu nhận biết đái tháo đường
Theo BS Bảy, người bị bệnh ĐTĐ có các triệu chứng như tiểu nhiều, khát nước và gầy sút, một số người hay bị đói nên ăn nhiều.
Tuy nhiên, có rất nhiều người bệnh ĐTĐ typ 2 có thể không hề có triệu chứng nào trong thời gian dài, và họ chỉ biết mình bị bệnh ĐTĐ khi đi khám sức khỏe, hoặc đi khám vì có các biến chứng của ĐTĐ như đục thủy tinh thể, tê bì chân tay, loét chân lâu lành hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não. Theo điều tra dịch tễ năm 2014, có gần 2/3 số bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam được phát hiện bệnh tình cờ.
Vì vậy, để được phát hiện sớm, những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ sau đây nên đi khám bệnh định kỳ hằng năm: Người thừa cân hoặc béo phì; Người có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có bệnh tim mạch; Người có người thân trong gia đình bị ĐTĐ typ 2; Phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ hoặc đẻ con to trên 4,0 kg; Người đã được chẩn đoán mắc tiền ĐTĐ…
BS Bảy khuyến cáo điều trị bệnh ĐTĐ gồm 3 trụ cột là: chế độ ăn, tập luyện thể lực và dùng thuốc. Bên cạnh mục tiêu kiểm soát tốt đường máu thì người bệnh ĐTĐ phải chú ý giữ gìn sức khỏe để có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Vì vậy, nên tập thể dục thể thao và kiểm soát chế độ ăn phù hợp, không nên quá khắt khe để tránh nguy cơ bị mệt mỏi, dễ bị hạ đường máu.
Nguồn: [Link nguồn]
TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo 6 điều người mắc bệnh tiểu đường nên làm trong dịp Tết.