Những ai có nguy cơ ung thư đại trực tràng?

Sự kiện: Sống khỏe

Theo các bác sĩ, ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt, bệnh đang có xu hướng trẻ hoá. Nhiều người bệnh bỏ qua các dấu hiệu của bệnh dẫn đến giai đoạn muộn.

Tình cờ phát hiện ung thư qua xét nghiệm máu

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn H (70 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện ung thư qua thử máu.

Ông H. cho biết khoảng 1 tháng nay, thi thoảng xuất hiện đại tiện phân nát, không nhày, không lẫn máu, kèm theo đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, hạ vị, không quặn thành cơn. Ông H. đi xét nghiệm máu và được tư vấn nên làm thêm xét nghiệm bộ dấu ấn ung thư đại trực tràng, trong đó có chỉ số CEA là 8.92 ng/mL. Đây là mức cao hơn giới hạn bình thường.

Khi có kết quả chỉ số CEA cao, lại thêm các dấu hiệu như rối loạn đại tiện, đau bụng nên bác sĩ đã cho bệnh nhân nội soi đại trực tràng. Khi nội soi, đại tràng của bệnh nhân có 01 polyp kích thước xấp xỉ 3mm. Polyp nhỏ nên các bác sĩ đã cắt ngay khi phát hiện bằng Snare.

Khi nội soi trực tràng, cách hậu môn 10 cm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có 01 khối sùi loét kích thước xấp xỉ 3cm, bờ nham nhở, chạm đèn soi dễ chảy máu. Với các tổn thương loét, sùi, bác sĩ nghi ngờ ác tính, bác sĩ đã tiến hành sinh thiết 05 mảnh tại khối sùi làm giải phẫu bệnh. Kết quả bệnh nhân H. bị ung thư trực tràng.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá tổn thương, xâm lấn của ung thư.

Theo ThS.BS Đỗ Đức Linh - Chuyên gia Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Medlatec, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính. Với ung thư đại trực tràng, bác sĩ Linh cho rằng chụp cắt lớp vi tính có thể đánh giá chính xác kích thước, vị trí của tổn thương; đánh giá mức độ xâm lấn ra các cơ quan lân cận; đánh giá tổn thương di căn các hạch cũng như các tạng ở xa như gan, phổi, xương...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ đó giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Chính vì vậy, chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng trong đánh giá giai đoạn bệnh, để từ đó có phác đồ điều trị thích hợp.

Hình ảnh chụp CT128 dãy có tiêm thuốc cản quang của bệnh nhân H. cho thấy ngoài tổn thương ung thư trực tràng, bệnh nhân còn có vài hạch trong ổ bụng và khoang sau phúc mạc. Điều này giúp bác sĩ có định hướng tốt hơn trong cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u sau này.

Những ai có nguy cơ?

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Nguyên Giám đốc bệnh viện E, Phó Chủ tịch hội Ung thư Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết theo thống kê mỗi năm có khoảng 8.700 ca mắc ung thư đại trực tràng và 6.000 người tử vong vì bệnh này. Không những thế nguy cơ mắc bệnh đang có xu hướng tăng. Theo các bác sĩ, những bệnh nhân phát hiện bệnh đa số đều ở giai đoạn muộn. Chính bởi các triệu chứng giai đoạn đầu thường rất ít có biểu hiện ra bên ngoài nên bệnh nhân thường chủ quan. 

Hầu hết hơn 40% bệnh nhân đến thăm khám khi cơ thể có các triệu chứng bất thường như: đi cầu ra máu kèm đau bụng, sờ thấy khối u ở bụng, rối loạn tiêu hóa,...

Thường giai đoạn đầu ít có biểu hiện hoặc triệu chứng cụ thể. PGS Nghị cho rằng bệnh nhân cũng nên lắng nghe cơ thể, nếu có các dấu hiệu như: nhâm nhẩm đau bụng, đầy bụng, sụt cân bất thường,... thì nên đi thăm khám. Không nên chủ quan để bệnh tiến triển nặng sẽ rất khó điều trị khỏi. 

Những người có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao đó là:

 + Người trên 50 tuổi.

 + Cá nhân hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại tràng, polyp trực tràng, ung thư đại trực tràng,…

+ Người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân.

+ Người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia,…

+ Người bị viêm loét đại trực tràng, có tiền sử mắc bệnh Crohn.

Để phòng bệnh, PGS Nghị cho rằng tích cực ăn rau xanh, trái cây tăng cường chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, giảm pH trong lòng đại tràng. Hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ, bởi chúng càng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Ăn thịt quá 5 lần trong tuần hoặc gần 2 lạng thịt một ngày tăng nguy cơ mắc bệnh gấp 03 lần so với bình thường. 

Hạn chế các loại thịt qua sơ chế như dăm bông, xúc xích, xông khói, không hút thuốc, bỏ uống bia rượu để giảm nguy cơ mắc ung thư.

Nguồn: [Link nguồn]

9 điều cần làm để ”miễn nhiễm” cả đời với ung thư trực tràng

Hạn chế ngồi nhiều, tắm nắng, bỏ thuốc lá hay hạn chế rượu bia... là những điều bạn nên làm để giảm nguy cơ bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Chi  ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN