Nhỏ thuốc nhỏ mũi của người lớn, trẻ 3 tháng tuổi phải thở oxy
Sau khi được rửa mũi bằng 2-3 lọ thuốc gia đình tự mua về, các bé có biểu hiện lơ mơ, da tái, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
Ngày 4/9, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, Đơn vị Cấp cứu Nhi vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, tay chân lạnh biểu hiện ngộ độc cấp theo dõi sốc tim. Ngay sau đó các bác sĩ đã cấp cứu và điều trị tích cực cho trẻ.
2 trường hợp bệnh nhi bao gồm: Q.H và Q.B sinh tháng 5/2020 đều có địa chỉ ở Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh.
Hình ảnh lọ thuốc nhỏ mũi do gia đình cung cấp.
Theo mẹ hai bé kể: Trẻ có hiện tượng khò khè sau khi tắm, gia đình đã tự mua thuốc nhỏ mũi để rửa mũi cho con. Tuy nhiên, sau khi rửa mũi bằng 2-3 lọ thuốc, trẻ bắt đầu xuất hiện lơ mơ, da tái, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Ngay sau đó gia đình đã đưa trẻ nhập viện.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy nhịp thở của trẻ không đều, nhịp tim chậm 70-80 lần/phút nghi ngờ tình trạng ngộ độc cấp. Qua hỏi bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc nhỏ mũi Naphazolin – 1 loại thuốc không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Bệnh nhi sau đó được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực thở oxy, truyền dịch, lợi tiểu và theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Sau 2 ngày điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển tốt.
Bệnh nhi bị ngộ độc.
Theo tài liệu y khoa, Naphazolin là thuốc nhỏ mũi thường gây ngộ độc ở trẻ. Nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Naphazolin là thuốc được chỉ định trong điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang. Thuốc có tác dụng nhanh, hiệu quả. Do đó được các nhà thuốc sử dụng phổ biến. Tuy nhiên khi dùng thuốc quá liều và sai độ tuổi trẻ sẽ bị ngộ độc, gây ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, nhịp thở chậm, nặng sẽ có cơn ngừng thở và nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Theo BSCKI. Đào Thị Loan phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, không chỉ có thuốc nhỏ mũi Naphazolin mà còn có một số loại thuốc như Xylometatolin… trước khi sử dụng cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ và các bậc phụ huynh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Những sai lầm khi hạ sốt cho trẻ dưới đây chẳng những không hiệu quả mà còn khiến bệnh tình trẻ nặng thêm.