Nhiều trẻ mắc tay chân miệng biến chứng viêm màng não
Tay chân miệng gây bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng đang gây dịch tay chân miệng với những ca bệnh nặng ở phía Nam.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, 2 nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ khám cho trẻ mắc tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, TS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt, trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong.
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, những năm trước phải đến tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp.
Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống.
PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca từ vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.
Hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt, phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở TP.HCM chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.
Ngoài ra, có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.
Chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh, GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại.
Đối với TP.HCM, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]
Một số trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.