Nhiều tỉnh, thành chi viện Bắc Giang chống dịch

Sự kiện: Sống khỏe

Dù ở xa, lại là địa phương vùng cao khó khăn, song với tinh thần tương thân tương ái, lần lượt các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã chi viện những cán bộ tốt nhất của ngành Y tế để hỗ trợ Bắc Giang chống dịch COVID-19.

Các cán bộ y tế đến điểm nóng về dịch COVID-19 tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) để lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 xã Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng.

Các cán bộ y tế đến điểm nóng về dịch COVID-19 tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) để lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 xã Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng.

"Giúp Bắc Giang chống dịch cũng là giúp chính mình"

Sáng 28/5, đoàn y tế gồm 30 cán bộ bác sỹ, điều dưỡng tình nguyện của tỉnh Lào Cai lên đường đi Bắc Giang hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Rất đông các đơn vị y tế đã có mặt để gửi tặng những món quà động viên tinh thần, cùng những nhu yếu phẩm cần thiết cho đoàn chi viện trước giờ xuất quân.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai cho biết: "Đáp lại lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi đã nhanh chóng kêu gọi được những cán bộ, nhân viên y tế có chuyên môn cao của Lào Cai để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đối phó với dịch COVID-19. Tất cả những người tham gia đều trên tinh thần xung kích và chỉ rút quân khi tỉnh bạn chủ động kiểm soát được tình hình dịch bệnh".

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ, theo thống kê hiện nay Lào Cai có 1.162 công nhân đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Cùng với đó, thời điểm này số lượng vải của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành của Lào Cai rất lớn (khoảng 200-250 tấn quả tươi mỗi ngày). "Chúng tôi giúp tỉnh bạn cũng chính là giúp địa phương mình. Chính quyền và nhân dân Lào Cai mong tỉnh Bắc Giang sớm khống chế được dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế", ông Trịnh Xuân Trường bày tỏ.

BS Nguyễn Quốc Huy, Trưởng đoàn chi viện chia sẻ: "Trong các đợt chống dịch vừa qua, Lào Cai đã phát huy hiệu quả trong việc khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu. Chúng tôi mong rằng sẽ cùng lực lượng y tế tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng dịch bệnh".

Gửi đến tỉnh bạn những cán bộ y tế "tốt nhất có thể"

Đoàn chi viện số 2 của tỉnh Yên Bái đang làm việc tại tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: PV

Đoàn chi viện số 2 của tỉnh Yên Bái đang làm việc tại tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: PV

Tại Yên Bái, đoàn chi viện thứ hai gồm 22 y bác sỹ đến từ các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã có mặt tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19.

BS Đỗ Lân Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, người có hơn 22 năm gắn bó với vùng cao cho biết, dù chưa trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 bao giờ, nhưng qua nghiên cứu phác đồ điều trị mà Bộ Y tế đưa ra, ông tin tưởng mình và các đồng nghiệp sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong khi đó, đoàn chi viện thứ nhất của Yên Bái gồm 15 cán bộ y tế hiện vẫn đang tích cực phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang làm công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại các điểm nóng.

"Cũng như những cán bộ của địa phương, nhóm nhân viên y tế của Yên Bái làm việc từ sáng đến đêm. Mấy hôm đầu chưa quen nên mọi người có chút mệt, thậm chí bị say nắng. Thế những ai cũng tràn đầy nhiệt quyết và không hề kêu ca nửa lời. Tôi thường động viên mọi người: Các tỉnh bạn "binh hùng, tướng mạnh", họ tăng cường hàng trăm người. Mình tỉnh nghèo, quân ít, lực yếu nên anh em càng phải cố gắng nhiều hơn. Mà quyết định lên đường của chúng tôi cũng ghi rõ rồi: "Đến khi tỉnh Bắc Giang kiểm soát được tình hình dịch bệnh mới trở về". Thế nên, đoàn xác định tâm lý và sẵn sàng "chiến đấu" lâu dài", BS Lê Đình Tiến, Trưởng đoàn công tác số 1 của Yên Bái tâm sự.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh cho biết: "Với tinh thần Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang, dù chưa nhận được đề nghị nhưng tỉnh Yên Bái đã quyết định lựa chọn những cán bộ y tế "tốt nhất có thể" để đến tham gia cùng các lực lượng phòng chống dịch tại Bắc Giang. Tuy số lượng cả 2 đợt chi viện không đông, nhưng đây đều là những cán bộ có trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề, có nhiều kinh nghiệm trong công tác truy vết, xét nghiệm. Tỉnh Yên Bái mong muốn, được góp phần công sức nhỏ bé của mình, cùng với các lực lượng chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh tại Bắc Giang cũng như trên phạm vi cả nước để bảo vệ sức khỏe của nhân dân".

Huy động tổng lực, quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19 tại Bắc Giang

Những đoàn chi viện của Tây Bắc chỉ trở về khi Bắc Giang đã chủ động khống chế được dịch bệnh.

Những đoàn chi viện của Tây Bắc chỉ trở về khi Bắc Giang đã chủ động khống chế được dịch bệnh.

Bắc Giang đang là điểm nóng nhất của dịch COVID-19 với 1.749 ca dương tính và 15.023 trường hợp F1 (thống kê sáng 28/5). Địa phương này tuy phát hiện bệnh nhân muộn nhưng tăng chóng mặt, có ngày gần 200 ca dương tính mới, hàng chục ngàn người đi cách ly, vì vậy lúc này "sờ" đến cái gì cũng thiếu và rất cần sự chi viện của Trung ương và các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. Ngành Y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm ngoái, nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn. Bộ Y tế đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt toàn quyền "điều quân" từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bên cạnh đó cũng cần "đảo quân", bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Riêng với lực lượng xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các trường Y trên cả nước phải chuẩn bị nhân lực lượng sẵn sàng với hơn 20.000 người. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ sẽ điều phối, tập huấn cho lực lượng này để chi viện cho Bắc Giang thay thế lực lượng hiện đang chống dịch tại tỉnh. Điều này, theo Bộ trưởng là để đủ lực lượng duy trì chiến đấu.

Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM chi viện các kíp hồi sức tích cực và chiều mai có mặt ở Bắc Giang, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - những nơi có các đơn vị hồi sức tích cực mạnh hỗ trợ cho Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.

Những ngày qua, các cán bộ y tế tại Bắc Giang đã căng mình lấy mẫu cho người dân và công nhân bên trong các điểm nóng dịch COVID-19.

Những ngày qua, các cán bộ y tế tại Bắc Giang đã căng mình lấy mẫu cho người dân và công nhân bên trong các điểm nóng dịch COVID-19.

Trong điều kiện cần thiết, Bộ Y tế sẽ thành lập kho dã chiến tiền phương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư tối đa với Bắc Giang. Tuy nhiên, Bắc Giang cũng cần chuẩn bị kịch bản trong tình huống gia tăng ca mắc cao hơn so với kịch bản hiện tại. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các địa phương, đơn vị trên cả nước hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, trợ giúp cho hai địa phương này, đặc biệt là Bắc Giang.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại các địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, TP HCM đã cử số lượng lớn y bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm đến hỗ trợ Bắc Giang. Về công tác xét nghiệm, đã có nhiều đơn vị hỗ trợ Bắc Giang như: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường ĐH Y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Học viện Quân y 103, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Ngành Công an cũng cử Đoàn cán bộ y tế Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền với 166 y, bác sỹ, cán bộ y tế chi viện cho tỉnh Bắc Giang, trực tiếp tham gia điều hành, vận hành Bệnh viện Dã chiến số 2.

BS Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, anh và 12 thành viên khác của ê-kíp Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ về mặt hồi sức, điều trị, các công tác chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân COVID-19. “Mọi người dân trên cả nước nói chung, người dân tại Bắc Giang nói riêng nên yên tâm. Dù trong hoàn cảnh, môi trường nào cũng sẽ có Chính phủ, Nhà nước, lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế luôn trong tâm thế chủ động vào cuộc. Các bác sĩ cùng chung bàn tay, khối óc và lòng nhiệt thành cao độ, giúp bệnh nhân được chăm sóc, điều trị, sớm hồi phục, tuyệt đối không để lại ai ở phía sau…”, BS Trần Thanh Linh chia sẻ.

Việt Nam vừa phát hiện biến chủng virus mới, lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh

Đó là thông tin từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN