Nhiều người trẻ đột quỵ vì dùng máy tính, điện thoại theo cách này
Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ. Theo các bác sỹ, người thường xuyên làm việc, giải trí hoặc chơi game trên máy tính, có tổng thời gian sử dụng máy tính từ 8 tiếng trở lên, có nguy cơ bị đột quỵ cao.
Ảnh minh hoạ: Internet
Riêng ở Việt Nam hàng năm có khoảng 230.000 ca đột quỵ mới. Theo số liệu thống kê, khoảng 20% bệnh nhân mắc đột quỵ tử vong trong vòng 1 tháng, 5% – 10% tử vong trong vòng 1 năm. Chỉ có khoảng 10% ca hồi phục không di chứng, 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ đột quỵ nhập viện có lúc chiếm đến hơn 20% tổng số trường hợp đột quỵ – theo thống kê của TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM. Đáng chú ý hơn cả, ngoài những tình trạng phổ biến do hậu quả thường thấy của đột quỵ như khiến bệnh nhân tàn phế và tử vong, người trẻ mắc đột quỵ còn bị giảm khả năng lao động, giảm khả năng sinh đẻ cùng nhiều ảnh hưởng bất lợi xã hội khác.
Lý giải vì sao có sự gia tăng tần suất bệnh đột quỵ ở người trẻ, Ths.BS Trần Thị Mai Thy cho biết do lối sống công nghiệp hiện nay như tình trạng ít vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh, béo phì, tiếp xúc nhiều yếu tố căng thẳng, stress... Bên cạnh đó việc sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có gas cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ trong cuộc sống. Những yếu tố kể trên làm gia tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Ths.BS Đỗ Đức Tín cảnh báo những người thường xuyên làm việc, giải trí hoặc chơi game trên máy tính, có tổng thời gian sử dụng máy tính từ 8 tiếng trở lên, có nguy cơ bị đột quỵ cao. Nguyên nhân chủ yếu là do họ ngồi một chỗ thụ động suốt ngày, khiến cơ thể ít vận động, làm cho khả năng dung nạp đường của cơ thể kém đi, khả năng tiêu hóa mỡ và cholesterol kém đi, chất béo lắng đọng vào thành mạch máu làm mạch máu bé lại, từ đó đưa đến nguy cơ tiểu đường và xơ vữa động mạch, dẫn đến yếu tố đột quỵ.
Mặt khác, ngồi lâu một chỗ khiến máu dồn liên tục xuống 2 chân. Khi đứng dậy, thông thường cơ thể sẽ tự điều chỉnh đưa máu về tim, nhưng trường hợp không kịp điều chỉnh sẽ dẫn đến hạ huyết áp tư thế, xảy ra đột quỵ.
Dấu hiệu của bệnh đột quỵ
Do chứng bệnh này không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ.
Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.
- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.
- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng, nguyên nhân là do thói quen ăn uống, vừa xem tivi hay điện thoại vừa ăn,...