Nhiều người ở Hà Nội nhập viện cấp cứu trong đợt nắng nóng
Mấy ngày vừa qua, Hà Nội trải qua những ngày cao điểm nắng nóng, kéo theo đó là số lượng người cao tuổi và trẻ em phải nhập viện gia tăng đột biến.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, trong đợt nắng nóng này, số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Bệnh nhân hay gặp nhất tại Khoa Cấp cứu trong thời gian vừa rồi là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải.
Theo BS Trần Đình Thắng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện trong giai đoạn cao điểm nắng nóng hiện nay như: Thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa mát lạnh ra trời nắng nóng hoặc ngược lại.
Trẻ nhập viện vì nắng nóng.
Trời nắng nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, trong khi cảm nhận khát của người cao tuổi lại giảm đi, dẫn đến tình trạng mất muối và mất nước nhanh gây rối loạn điện giải.
Người cao tuổi nằm phòng điều hòa quá lạnh và đóng kín cũng là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh gây viêm phổi tấn công…
Trời nắng nóng khiến người cao tuổi lười ăn dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước.
Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… thậm chí co giật.
Bác sĩ Nguyễn Hương Giang, khoa Cấp cứu Nội - Nhi, cho hay lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hoá, tay chân miệng, cúm A,… vào viện tăng, trong đó 90% bé đã mắc COVID-19.
Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20-25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước. Trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Mọi người lưu ý đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.
Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.
Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Với những người có bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh.
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như: nói khó, yếu liệt tay chân, cầm nắm không vững, buồn nôn, chóng mặt… cần đến bệnh viện sớm nhất có thể.
Nguồn: [Link nguồn]
Dấu hiệu đầu tiên của sốc nhiệt là vã mồ hôi. Nhiệt độ tăng dần đến khi cơ thể bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.