Nhiều người mệt mỏi, đau đầu có phải do ô nhiễm không khí ở Hà Nội?
Chuyên gia lý giải nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt trong thời gian gần đây.
Khoảng một tuần gần đây, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên ở mức 100 – 200, đây là mức có hại cho sức khoẻ.
Trao đổi với PV, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, ở ngưỡng ô nhiễm này, mọi người có thể bị ảnh hưởng sức khỏe, nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc bệnh về hô hấp) có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. (Ảnh: Đời sống & Pháp lý)
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh do không khí ô nhiễm.
Đối tượng các cháu nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc. Do đó, trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.
Chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cũng như tới quá trình điều trị của các bệnh nhân. Những tác động này làm tăng thêm mức độ bệnh lý, sẽ kéo dài thời gian điều trị.
Trước thông tin thời gian gần đây nhiều người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khó chịu, PGS Dũng cho biết, do những người này sống ở trong môi trường không khí ô nhiễm, bị tổn thương đường hô hấp, các vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập khiến cơ thể mệt mỏi hơn, khó chịu hơn.
Đặc biệt, đối với những người có sức đề kháng kém, những người có bệnh lý về đường hô hấp sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt, hiệu suất làm việc hàng ngày giảm sút khi ô nhiễm không khí như thời gian vừa qua.
Đối với người có tiển sử bệnh phổi mạn tính, hen khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm rất dễ tái phát bệnh và mức độ bệnh cũng tăng hơn.
TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…
Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong.
Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…
Tuy nhiên, TS Cường cho biết, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể…
Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai (có thể gây ảnh hưởng bào thai), trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính…
“Những người khỏe mạnh có chức năng thông khí phổi lớn có thể đào thải phần lớn các chất gây ô nhiễm từ ngoài vào. Nhưng với những người có sẵn các bệnh lý hô hấp thì khả năng đào thải kém hơn, hấp thụ chất ô nhiễm trong không khí cao hơn nên dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí”, TS Cường lý giải.
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi dự báo trên các trang thông tin đại chúng để biết được những thông số về mức an toàn trong không khí, từ đó có những kế hoạch di chuyển và phòng vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao chúng ta nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là qua những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí.
Với những gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa khi không cần thiết và sử dụng điều hòa để lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và tấn công trẻ.