Nhiều khu dân cư từng “ăn” nước độc?

Thông tin về nước sạch ở khu đô thị Mỹ Đình II (Hà Nội) nhiễm Asen gấp 4 lần cho phép khiến không ít người hoang mang lo lắng cho chính nguồn nước sinh hoạt gia đình mình đang sử dụng. Có gia đình đã bỏ tiền mang mẫu nước nhà mình sử dụng đi xét nghiệm.

Bà Trần Thị Thái (ngõ 329, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi nghe thông tin nước ở khu đô thị Mỹ Đình II nhiễm độc, tôi cũng đã lấy mẫu nước nhà mình đi xét nghiệm Asen, Florua, Crom. May quá, 3 tiêu chuẩn này đều trong mức cho phép”. Tuy nhiên, bà Thái không hoàn toàn yên tâm khi nhận được kết quả này, vì: “Nhiều khu dân cư đã mang mẫu đi xét nghiệm, kết quả mỗi lần xét nghiệm là không đồng nhất”.

Cụ thể, anh trai bà Thái trú tại tổ 22, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho hay, mỗi lần mang mẫu nước sạch đi xét nghiệm lại cho một kết quả khác nhau. Cụ thể: ngày 13/3/2012, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội đã lấy mẫu nước ở đây đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy mẫu nước có các chỉ tiêu Asen, Nitrat, chỉ số Pecmanganat và Clo dư không đạt quy chuẩn. Họ xin lỗi dân và hứa khắc phục.

Rồi đến ngày 28/3/2012, Công ty này lại mang mẫu nước đến Viện Công nghệ môi trường xét nghiệm, kết quả chỉ có mỗi chỉ tiêu Nitrat không đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Tiếp đó, ngày 9/5/2012, ông Đinh Văn Long, Bí thư chi bộ tổ 22 đã lấy mẫu nước chuyển tới Viện Công nghệ môi trường thử nghiệm thì phát hiện kết quả chỉ tiêu Asen gấp trên 4 lần mức độ cho phép.

Tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi cũng nhận được phàn nàn của người dân về chất lượng nước. Ông Nguyễn Văn Hòa, một cư dân ở đây cho biết: “Từ tháng 4, sau khi vỡ ống nước sông Đà chúng tôi thấy nước đục, thường xuyên ngửi thấy mùi lạ.

Một số người dân đã mang mẫu nước đến Viện Công nghệ môi trường phân tích. Ai cũng lo vì kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy bị ô nhiễm nặng, chỉ tiêu Asen cao gấp 4 lần mức cho phép; Amoni gấp 2,5 lần, nước bị nhiễm khuẩn nặng vi khuẩn E.Coli và Coliform”.

Còn ông Hoàng Văn Minh (tổ 22, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) kể: “Sau khi nghe thông tin nước ở khu đô thị Mỹ Đình II bị nhiễm Asen gấp 4 lần cho phép, tôi rùng mình vì trước đây khu dân cư chúng tôi cũng vậy.

Chúng tôi ở đây từ năm 2006, lúc đó khu vực này chưa có mạng lưới cấp nước sạch của thành phố nên phải dùng nước ở trạm khai thác nước ngầm mà Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội xây dựng trước đó. Thấy nước có những biểu hiện bất thường như mùi khó chịu, váng, đục… chúng tôi đã liên tục đề nghị công ty này ngừng cấp nước để ký hợp đồng với Công ty Nước sạch Hà Nội. Thuyết phục không được, người dân đã mang nước đi xét nghiệm, tất cả các mẫu đều cho kết quả nước ô nhiễm”.

Theo phản ánh của ông Minh thì Trạm cấp nước số 2 của Mỹ Đình cũng không khác gì trạm cấp nước ở khu dân cư của ông trước đây. Đều là do chủ đầu tư tự xây khai thác nước ngầm để phục vụ thời gian thi công dự án sau đó lại dùng cho dân sinh hoạt.

Theo TS Lều Thọ Bách, Phó Viện trưởng Viện KHKT và TNMT (Đại học Xây dựng Hà Nội), các trạm xử lý nước ngầm hiện nay thường chỉ xử lý được sắt với măng gan, mà chưa có công nghệ khử Asen. Việc ô nhiễm Asen như hiện tại là kết quả của một quá trình lâu dài, do không xử lý làm sạch nước thải dẫn đến việc thấm vào nguồn nước ngầm.
 

Người dân có thể kiện “Khi quyền lợi không được đảm bảo người dân có thể “kiện” đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ. Về phía doanh nghiệp, phải nhanh chóng khắc phục nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân vùng bị nhiễm Asen hoặc bị nhiễm bẩn”

Luật sư Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN