Nhiều bố mẹ “mù” sơ cứu tai nạn cho con trẻ

Sơ cứu ban đầu đối với các tai nạn của trẻ không đúng cách sẽ khiến bệnh tình nặng hơn.

Sáng 25-6, BS Nguyễn Quang Hinh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, cho biết sức khỏe bé Phạm Hoàng TH (ba tuổi, tạm trú phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hiện rất nguy kịch. Bé còn hôn mê sâu, suy hô hấp nặng và đang thở máy.

Nhiều bố mẹ “mù” sơ cứu tai nạn cho con trẻ - 1

Bé TH (ba tuổi, ở Đồng Nai) bị đuối nước. Do bị bỏ vào lu… hơ lửa nên bé bị bỏng nặng, gương mặt biến dạng. 

Trước đó, ngày 17-6, bé TH cùng bé KM (18 tháng tuổi) được gia đình gửi tại một nhà trẻ tư nhân và chẳng may rớt xuống hồ nước. Hai bé được đưa lên khỏi hồ trong tình trạng ngất, thay vì cần đưa đi BV cấp cứu thì người ta lại bỏ vô lu để… hơ lửa. Một lát sau không thấy hai bé tỉnh lại, mọi người đưa đến BV nhưng lúc này hai bé đã ngưng thở, ngưng tim và bỏng nặng ở mặt, chân, bụng, mông… Ngày 18-6, do vết bỏng quá nặng nên bé KM qua đời.

Đủ kiểu… sai lầm

Cách đây không lâu, BV Nhi đồng Đồng Nai cũng tiếp nhận bệnh nhi TMT (năm tuổi) trong tình trạng vết thương ở bụng bị nhiễm trùng khá nặng. Mẹ bé T. cho biết bé T. té, bị cành cây quẹt trúng bụng gây chảy máu khá nhiều. Nghe theo hàng xóm, mẹ bé hái một số lá cây, giã nát rồi đắp lên vết thương bụng của bé. Sau ba lần đắp, máu hết chảy nhưng vết thương… bưng mủ, đau nhức.

Trước đó, cháu NTTH (sáu tuổi) chơi đá cầu ngoài sân thì bất ngờ bị rắn lục cắn. Cha cháu H. dùng miệng hút máu chỗ rắn cắn để lấy nọc độc. Vài giờ sau, H. có triệu chứng khó thở, cứng hàm, chảy đờm… Do được cấp cứu tích cực nên H. qua cơn nguy kịch. Riêng cha của cháu H., bác sĩ nói nếu ông có vết trầy ở miệng hoặc chảy máu chân răng thì nọc độc của rắn sẽ gây hậu quả trầm trọng.

Nhiều trường hợp rất đau lòng do cha mẹ xử lý sai khi con bị tai nạn bỏng nước sôi. Mới đây, cháu HTML (năm tuổi) chạy nhảy đã va vào bình thủy nước sôi. Mẹ cháu lấy kem đánh răng bôi lên vết thương, chỉ ít phút sau chỗ da bị bỏng phồng rộp nước, bể và bong da khiến L. khóc la vì đau rát. Theo các bác sĩ, kem đánh răng có chứa kiềm nhẹ sẽ làm tăng sự đau đớn và làm nhiễm trùng vết bỏng. Tương tự, bé VTQ (ba tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng vết bỏng có biểu hiện hoại tử. Mẹ bé Q. cho biết bé bị nguyên tô canh nóng đổ xuống đầu. Tô canh đặt trên bàn và bé nhón chân với tay tới vì tò mò. Mẹ bé đã lấy nước đá chườm lên mặt, tay bé Q. Bác sĩ cho biết đá lạnh có tác dụng làm co mạch và hạn chế máu lưu thông để nuôi dưỡng vùng bị bỏng, dễ gây hoại tử và điều trị lâu lành.

Mất thời gian quý để cấp cứu

Mới đây, nhóm bác sĩ BV Nhi đồng tỉnh Đồng Nai gồm các BS Nguyễn Quang Hinh, Phan Thanh Nguyệt, Nguyễn Thị Hà đã thực hiện đề tài nghiên cứu về tai nạn trẻ em đến cấp cứu tại bệnh viện này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có gần 50% trẻ bị tai nạn sinh hoạt được người nhà sơ cứu tại chỗ nhưng có gần 43% phụ huynh sơ cứu không đúng cách. “Xử lý không đúng cách chẳng những khiến thương tích của trẻ nặng hơn mà còn làm mất thời gian quý giá để cấp cứu cho trẻ” - BS Hinh nhấn mạnh. Cũng theo ông, do sơ cứu không đúng cách nên hậu quả có gần 1% trẻ sau điều trị đã để lại di chứng nặng nề như co rút cơ, sẹo xấu do bỏng, ảnh hưởng thần kinh…

Điều đáng nói, qua nghiên cứu còn cho thấy nhiều bố mẹ dùng các phương pháp sơ cứu mang tính tập quán sai lầm hoặc không khoa học. Chẳng hạn đắp lá cây lên vết thương chảy máu, xoa dầu chỗ xương gãy, bôi dầu lên vết ong đốt, dùng miệng hút máu chỗ rắn cắn, chườm nước đá và bôi kem đánh răng lên vết bỏng…

Trẻ dưới 5 tuổi bị tai nạn nhiều nhất

Nghiên cứu cho thấy trẻ dưới năm tuổi là nhóm bị tai nạn cao nhất. Thời điểm xảy ra tai nạn nhiều nhất là mùa hè, rơi vào tháng 5 đến tháng 8. Trong các loại tai nạn thì tai nạn sinh hoạt chiếm tỉ lệ cao nhất (73%), kế đến là tai nạn giao thông (gần 26%). Trong tai nạn sinh hoạt, chủ yếu là tai nạn xảy ra tại nhà (gần 97%).

“Trẻ dưới năm tuổi gồm những trẻ mới biết bò, đi đến trẻ mới vào nhà trẻ, mẫu giáo. Trẻ lứa tuổi này rất hiếu động, muốn tìm hiểu thế giới chung quanh nhưng chưa nhận thức đầy đủ các mối nguy hiểm. Nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ của người lớn thì trẻ rất dễ bị tai nạn”.

BS NGUYỄN QUANG HINH, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhi đồng tỉnh Đồng Nai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN