Nhiệt miệng dễ nhầm với bệnh tay chân miệng?
Con trai tôi được 2 tuổi, thời gian gần đây trên niêm mạc miệng của cháu có những vết loét, có mủ màu vàng khiến cháu khó chịu, biếng ăn. Đi khám được bác sĩ cho biết bị viêm loét miệng nhưng qua sách báo tôi thấy những trẻ bị bệnh tay - chân - miệng cũng có biểu hiện tương tự. Xin hỏi, viêm loét miệng có dễ nhầm với bệnh tay - chân - miệng không, có thể phân biệt bằng cách nào? Nguyễn Thị Thắm (Quảng Ngãi)
Viêm loét miệng, thường gọi là nhiệt miệng là một biểu hiện thường gặp, gây đau, khiến trẻ ăn uống khó khăn. Nguyên nhân gây viêm loét miệng vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng có một số yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh khởi phát là chấn thương do tự cắn vào niêm mạc má hay lưỡi, do thức ăn quá cứng, chải răng quá mạnh, do thức ăn quá nóng, gây bỏng niêm mạc miệng, do thiếu vitamin B12, vitamin C, chất sắt hay acid folic, do rối loạn hay suy giảm miễn dịch, do stress...
Khi bị viêm loét miệng, vết loét thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng, với quầng đỏ xung quanh. Trẻ bị viêm loét miệng dễ nhầm với bệnh tay - chân - miệng do khi trẻ mắc bệnh này, trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng.
Tuy nhiên, dấu hiệu để phân biệt là cha mẹ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ hay không. Nếu khó phân biệt được thì tốt nhất nên đưa trẻ đến chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí thích hợp.