Nhiễm bệnh từ thịt heo
Các chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn heo có thể tăng trong những ngày cuối năm chỉ vì thói quen ăn tiết canh ngày Tết để lấy may.
Chưa đầy một ngày sau khi thưởng thức món “khoái khẩu” tiết canh heo, bệnh nhân N.V.K, 41 tuổi, ở Ninh Bình, đã phải nhập viện.
Món “khoái khẩu” tiết canh được coi là ổ chứa vi khuẩn, virus gây bệnh
Heo nhà cũng gây bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân N.V.K được chuyển đến cấp cứu ngày 3-2 trong tình trạng hôn mê, sốt cao, rét run, lơ mơ, ù tai, co giật, trên da xuất hiện nhiều ban hoại tử. Đây là những biểu hiện điển hình của nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn heo. Theo người nhà bệnh nhân, anh K. làm nghề giết mổ heo, buổi sáng trước khi phát bệnh, anh có ăn tiết canh heo. Theo bác sĩ Cấp, sau gần 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm nhưng vẫn chưa thoát khỏi khỏi những cơn sốc nhiễm khuẩn. “Tình trạng này có thể kéo dài 3-4 ngày tới, do đó bệnh nhân sẽ phải điều trị qua Tết mới được xuất viện” - bác sĩ Cấp tiên lượng.
Trước đó, trong tháng 1-2013, BV Đa khoa TP Đà Nẵng đã điều trị cho 3 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn heo sau khi có tiếp xúc hoặc ăn thịt heo nướng. Các bệnh nhân đều có những triệu chứng như sốt cao, đau nhức toàn thân, ù tai, nhiều nơi trên cơ thể như mặt, chân sưng phù, tím tái, không thể đi lại.
Theo giới chuyên môn, dịp Tết là thời điểm dịch bệnh liên cầu khuẩn heo dễ phát tán bởi người dân thường tiệc tùng liên miên, thực khách dễ ăn phải heo “bẩn” mang mầm bệnh. Hơn nữa, ở nhiều vùng quê, các gia đình thường hay xẻ thịt một con heo để ăn Tết và mỗi lần như thế không thể thiếu món khoái khẩu tiết canh, lòng heo… để nhậu tất niên. “Nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn khi nhiều người nghĩ rằng ăn thịt, tiết canh từ heo nhà tự nuôi thì an toàn nhưng thực tế có không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn thịt tái sống, tiết canh heo” - bác sĩ Cấp nói.
Mầm bệnh đe dọa bà nội trợ
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại miền Bắc, các ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo ghi nhận rải rác tất cả các tháng trong năm. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới, ở độ tuổi trung niên. Năm 2012, BV tiếp nhận gần 50 ca mắc. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan trực tiếp đến nguồn lây như ăn tiết canh, lòng heo, chăm sóc heo ốm, giết mổ heo, ăn thịt tái sống… Theo bác sĩ Hà, khi người giết mổ có vết thương hở, vết trầy xước da tiếp xúc với máu của heo chứa khuẩn liên cầu hay nhiều bà nội trợ, người bán hàng có thói quen ngửi thịt sống để xem thịt tươi hay không cũng khiến mầm bệnh xâm nhập qua đường hô hấp và gây bệnh.
Bác sĩ Hà cho biết nhiều người còn nhầm lẫn rằng bệnh tai xanh ở heo gây bệnh cho người. Thực tế, bệnh tai xanh ở heo do virus và không lây sang người. Còn bệnh liên cầu khuẩn heo là bệnh nhiễm trùng do vi trùng Streptococcus suis lây lan từ động vật sang người qua việc tiếp xúc với thịt heo bệnh. Khi heo mắc bệnh tai xanh sẽ khiến hệ miễn dịch của chúng suy giảm, tạo cơ hội cho các bệnh khác ở heo phát triển nhanh, trong đó có vi khuẩn liên cầu.
Giới chuyên môn cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 390C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chưa có vắc-xin phòng bệnh Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt khi đã nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng. Để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt heo, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là heo bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt heo cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với heo hoặc thịt heo bệnh với những vùng có vết thương hở. |